Tuổi trẻ Điện Biên Đông với mô hình trang trại

14:37 - Thứ Năm, 23/06/2016 Lượt xem: 4209 In bài viết
ĐBP - Những ngày trung tuần tháng 6, đường vào các xã và thị trấn của huyện Điện Biên Đông những thửa ruộng đã chuyển màu vàng rộm, những vạt lúa ngắn ngày trĩu hạt đang chờ gặt. Khung cảnh toát lên vẻ thanh bình, hứa hẹn cuộc sống ngày càng ấm no. Để có được điều đó, có sự chung tay, góp sức rất lớn của lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Với sự dẫn dắt chỉ đạo của Huyện đoàn Điện Biên Đông, lực lượng ĐVTN đã tích cực, đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, làm kinh tế mới. Các mô hình sản xuất của thanh niên Điện Biên Đông được xây dựng trên cơ sở có đầu tư về tiền vốn; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn nuôi và làm dịch vụ, nhiều mô hình đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Họ thành công bởi tính sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ. 

Cùng cán bộ Huyện đoàn, chúng tôi đến thăm gia đình anh Cà Mạnh Hải. Tiếng là ở tổ 2, thị trấn huyện Điện Biên Đông, nhưng hầu hết các hộ gia đình ở đây đều sinh sống bằng nghề nông. Đã đi nhiều nơi, tận mắt thấy nhiều ngôi nhà sàn kiểu mới, nhưng có lẽ nhà sàn của anh Hải khiến tôi ấn tượng nhất. Bởi ngoài dáng to rộng, vững chãi thì từng chi tiết gỗ có kích thước hợp lý, được trau chuốt cách điệu kỳ công. Ngôi nhà sàn 5 gian lợp ngói đỏ bề thế nhất bản là kết quả của gần chục năm trời chịu khó tìm tòi, học hỏi, lao động và chắt chiu của vợ chồng anh Hải. Dưới mái ngói những giò lan rừng đơm hoa màu da báo, anh Hải kể cho chúng tôi nghe những năm tháng qua.

Lấy nhau khi mới 20 tuổi, sau 5 - 7 mùa nương cái khó, cái thiếu vẫn đeo đẳng. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi con cái đến tuổi ăn học mà quanh năm chỉ trông chờ vào mấy mảnh ruộng, nương bố mẹ cho khi ra riêng. Song từ khi tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đoàn thanh niên thị trấn; được học hỏi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tham quan những mô hình làm mô hình kinh tế hiệu quả, anh Hải bàn với vợ xin hỗ trợ vốn vay ưu đãi và bắt tay vào làm mô hình nuôi cá.

Vạn sự khởi đầu nan, khi thấy vợ chồng anh Hải đầu tư hàng chục triệu đồng vào cải tạo khe suối, làm ống dẫn nước về ao cá thì nhiều người cho rằng chỉ uổng công tốn sức. Những năm đầu mới nuôi cá, do chưa có kinh nghiệm nên cá bị dịch bệnh vì mua phải nguồn giống kém chất lượng; cá chậm lớn, hao hụt nhiều do nguồn nước và ao chưa được vệ sinh và xử lý đúng cách... Không nản lòng, vừa làm anh Hải vừa hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, cải tạo ao từ nhiều gia đình khác đã nuôi cá thành công. Rồi anh làm một cái chòi nhỏ cạnh 3 ao cá rộng chừng 5.000m2 để tiện trông coi, chăm sóc. Niềm tin của vợ chồng anh Hải dần được đền đáp, sau hơn 2 năm vay mượn đầu tư tiền bạc, cải tạo khe suối, đào đắp ao nuôi cá đã cho thu hoạch lứa cá thịt đầu tiên vào năm 2006. Từ năm đó đến nay, sản lượng cá thịt năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân thu hơn 100 triệu đồng/năm. Mô hình cải tạo khe suối nhỏ để nuôi cá của anh đã thành công như mong đợi.  Có vốn rồi vợ chồng anh Hải lại đầu tư hơn 100 triệu đồng làm dịch vụ xay xát, trao đổi lương thực. Anh Hải cho biết, 3 năm gần đây mỗi năm anh thu từ ao cá; dịch vụ xay xát và mua bán lương thực được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư anh lãi khoảng 80 đến 100 triệu đồng/năm. Thoát nghèo từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Hải được dân bản nể phục, được nhiều thanh niên tìm đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất làm giàu. Anh Hải đang dự định xây thêm khoảng 3.000m2 ao để nuôi ba ba thịt - loại thủy sản đang được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Trò chuyện với anh Hải, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, lòng tin hừng hực của tuổi trẻ khi anh nói về chuyện làm ăn, kinh nghiệm và những yếu tố cần để biến những điều mình mong muốn thành hiện thực. Anh cho biết thêm, để thoát được nghèo, quan trọng nhất là ý chí quyết tâm của mỗi người, có quyết tâm rồi thì phải theo đuổi không nản lòng. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Hải được Đoàn thanh niên thị trấn và Huyện đoàn Điện Biên Đông lấy làm điểm tham quan, học hỏi cho hàng trăm ĐVTN khác trong toàn huyện.    

Tạm biệt vợ chồng trẻ Cà Mạnh Hải và Lò Thị Biên, chúng tôi đến thăm mô hình vườn - ao - chuồng - rừng của thanh niên Dương Quang Giàu ở tổ 1 - thị trấn Điện Biên Đông. Gần đây đã có người nài nỉ anh Giàu nhượng lại trang trại vườn rừng và ao cá cho họ với giá gần 2 tỷ đồng nhưng anh không bán. Bởi theo anh, trang trại của anh mới cho hiệu quả kinh tế bước đầu và là tâm huyết của vợ chồng anh trong nhiều năm qua. Được biết, trước đây, trang trại này là của gia đình khác. Họ cũng nuôi cá và trồng 2ha cây cam nhưng không có hiệu quả kinh tế nên đã nhượng lại cho anh Giàu với giá 80 triệu đồng. Cùng với vốn vay của họ hàng và thông qua tổ chức Đoàn thanh niên, anh Giàu vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện để xây kè và mở rộng ao thành 7.000m2 ao nuôi cá quả, trắm, mè, trôi và cá chép; xây 1000m2 ao nuôi ba ba thịt. Anh Giàu cũng là người đầu tiên ở Điện Biên Đông nhân giống thành công ba ba giống bằng cách xây bãi cát cho ba ba đẻ trứng và ấp trứng nhân tạo.

Trước đây nhiều người nuôi cá quả không đạt hiệu quả kinh tế, vì giống cá quả chậm lớn, không nuôi lẫn được với các loại cá khác và đây là giống ăn thịt. Nhưng anh Giàu đã khắc phục bằng cách ươm giống vào bể xi măng, khi cá khỏe mạnh mới thả vào ao lớn. Cá quả dễ thích nghi nên khi nuôi trong bể xi măng vẫn phát triển tốt, lại dễ chăm sóc và tận dụng được triệt để nguồn thức ăn công nghiệp. Để bổ sung thức ăn cho cá quả, anh Giàu nuôi lẫn cá quả với cá rô phi ta, với đặc tính sinh sản nhanh nên cá rô phi con sẽ là nguồn thức ăn cho cá quả. Nhờ vườn rừng rộng lớn nên cá của anh Giàu có 2 nguồn thức ăn chính là rau cỏ, khoai sắn và thức ăn công nghiệp nên đỡ được một phần chi phí thức ăn. Hàng năm, anh thực hiện định kỳ việc vệ sinh, tẩy trùng ao nuôi cá, nhờ đó mà cá nhanh lớn và không bị dịch bệnh. Ngoài diện tích ao nuôi cá và chăn nuôi lợn, anh Giàu còn trồng được hàng ngàn cây gỗ sa mu, thồ lộ và hàng trăm cây ăn quả. Hiện nay, vườn rừng của gia đình có 600 cây gỗ sưa 8 năm tuổi. Biết tận dụng lợi thế đất đai mở rộng kinh tế gia đình bằng mô hình vườn rừng - chăn nuôi đã cho gia đình anh Giàu thu nhập trên 80 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí.

Theo Bí thư Huyện đoàn Điện Biên Đông Cà Văn Thao: Hiện ở huyện Điện Biên Đông có hàng trăm ĐVTN, đặc biệt là thanh niên người dân tộc thiểu số được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Đến nay tổng dư nợ cho ĐVTN vay vốn tại Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện đạt trên 50 tỷ đồng. Để nguồn vốn vay đạt hiệu quả chúng tôi hướng dẫn ĐVTN thực hiện mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế gia đình, địa phương; trong đó khuyến khích tận dụng lợi thế tự nhiên xây dựng những mô hình cây, con giống phù hợp. Chúng tôi đánh giá cao mô hình kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng - rừng, vườn rừng - chăn nuôi như của đoàn viên Cà Mạnh Hải và Dương Quang Giàu. Đây là một trong những mô hình thành công và có hiệu quả kinh tế cao của thanh niên huyện Điện Biên Đông, là một trong những địa chỉ để ĐVTN các xã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm.

Thanh niên huyện Điện Biên Đông đã và đang thực sự là lực lượng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Góp trí tuệ và công sức lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở mỗi gia đình và của địa phương.

Kông Thao
Bình luận
Back To Top