Đói nghèo đeo đẳng Mường Mươn

14:56 - Thứ Năm, 23/06/2016 Lượt xem: 5337 In bài viết
ĐBP - Nằm dọc trục Quốc lộ 12, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà có nhiều thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dù có nhiều thuận lợi như vậy nhưng đời sống đồng bào các dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, đây là điều trăn trở của lãnh đạo xã nhiều năm qua. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của Mường Mươn còn trên 60%, nhất là các bản vùng cao; bình quân lương thực trên đầu người của xã mới đạt 343kg/người/năm. Vậy đâu là nguyên nhân nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn đứng trong tốp đầu của của huyện Mường Chà.

Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn đưa ra nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: thiếu đất sản xuất, canh tác lạc hậu, không có vốn đầu tư cho chăn nuôi… đây là bài toán chưa có lời giải của lãnh đạo xã. Theo lời ông Chủ tịch UBND xã thì diện tích ruộng nước chỉ có 91ha, trong đó 50% cấy được một vụ, phần lớn diện tích ở các bản vùng thấp nằm dọc suối Mường Mươn, còn lại các bản vùng cao cuộc sống của người dân phụ thuộc vào nương rẫy là chính.

 

Gia đình chị Lò Thị Hà, bản Mường Mươn vươn lên thoát nghèo từ chăn nuôi lợn và gia cầm.

Diện tích đất nông nghiệp ít, nhưng bà con chưa quan tâm đầu tư vào sản xuất dẫn đến năng suất lúa thấp. Hơn nữa ý thức của người dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, chưa có sự vươn lên thoát nghèo. Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện chia sẻ: “Đói nghèo ở Mường Mươn còn cao chính là do ý thức của một bộ phận nhân dân chưa thay đổi. Những vụ nào được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kỹ thuật của phòng nông nghiệp xuống hướng dẫn cách trồng, chăm sóc thì vụ ấy năng suất cao. Nhưng không có hỗ trợ của Nhà nước thì ruộng nương có khi bỏ hoang, hoặc có trồng nhưng năng suất không đạt…”. Điều trăn trở của cán bộ làm nông nghiệp là làm sao người dân có thể thay đổi tư duy, nhận thức để tự lực vươn lên làm chủ tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương.

Ngoài cây lúa thì ngô là cây lương thực chính được bà con trồng nhiều, nhưng do một bộ phận người dân còn lười lao động. Như lời ông Chủ tịch UBND xã Lò Văn Bình thì một bộ phận không nhỏ nam giới trong xã rất lười lao động. Mọi việc nặng nhọc như làm nương, thu hoạch mùa màng… đều một tay người phụ nữ đảm đang. Đàn ông họ chỉ có một việc duy nhất là tụ tập uống rượu tối ngày. Nhiều đợt có gạo cứu đói của Nhà nước hỗ trợ, họ cũng mang đổi lấy rượu. Lãnh đạo xã đã nhiều lần họp bản tuyên truyền, vận động để họ bỏ thói xấu nhưng chỉ được một thời gian lại đâu vào đấy. Cũng vì lười lao động lên khi Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên trồng hơn 500ha cao su trên địa bàn xã có nhận con em đồng bào địa phương vào làm công nhân cho công ty. Lúc đầu bà con rất hăm hở nhận việc, nhưng chỉ được một thời gian số công nhân tự ý nghỉ việc tăng dần do không quen với cách làm việc tuân theo quy định của công ty, mà họ vẫn mang đậm tư duy tự phát, thích thì làm, không thích thì nghỉ.

Mường Mươn có 11 bản thì quá nửa số ấy là các bản vùng cao, do chưa áp dụng khoa học vào sản xuất, trông chờ vào Nhà nước đầu tư, cứu đói mỗi lúc giáp hạt. Chính vì thế, dù có chặt hết quả đồi này, bạt hết cây rừng ở quả đồi khác để làm nương thì đói nghèo vẫn đeo đuổi trong từng bữa ăn của họ. Sau một vài mùa nương, đất đai bạc màu, họ lại tìm đến quả đồi mới để làm nương. Những quả đồi chỉ toàn cỏ lau như để chứng minh cho tình trạng phá rừng làm nương của bộ phận đồng bào nơi đây. “Độ che phủ rừng của xã đạt thấp đến mức kỷ lục, những chỗ nào có thể làm nương là người dân chặt phá, mặc dù đã được tuyên truyền rất nhiều. Chúng tôi đã giao đất rừng cho các bản quản lý để người dân khoanh nuôi, tái sinh, để được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhưng đến nay nhiều hộ vì thiếu đất sản xuất vẫn vi phạm” - Ông Lò Văn Bình cho biết thêm.

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ đói nghèo của Mường Mươn còn cao chính là người dân không chịu áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, có những hộ sinh từ 6 – 8 người con, đặc biệt có hộ sinh đến 11 người con. Đói nghèo, sinh nhiều con thành cái vòng luẩn quẩn đeo bám họ qua bao đời như ở bản Huổi Vang. Cả bản chỉ có vài chục hộ nhưng có đến 95% số hộ trong diện đói nghèo. Nhìn anh Lò Văn Sen, dân tộc Khơ Mú, năm nay mới gần 50 tuổi nhưng như ông lão 70 tuổi. Anh Sen tâm sự, anh chị có tới 11 người con, 4 đứa lớn đã ra ở riêng, đứa nhỏ nhất vừa tròn 3 tuổi. Hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, mỗi năm thiếu đói vài tháng. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ con giống, ưu tiên cho vay vốn phát triển kinh tế, nhưng do nhận thức còn hạn chế, cùng với thiếu đất sản xuất nên đói nghèo vẫn đeo đẳng. Ngồi bó gối trong căn nhà tuềnh toàng, anh Sen cho biết: Năm 2014 anh cũng được Ngân hàng Chính sách – xã hội cho vay vốn để chăn nuôi, nhưng không biết nuôi con gì để có lãi, có thể trả vốn ngân hàng, vì thế anh bàn với vợ trả lại số vốn đó cho ngân hàng.

Không chỉ một mình nhà anh Sen mà nhiều hộ trong bản Huổi Vang cũng cùng cảnh, sinh con nhiều, đói nghèo và hệ quả do điều kiện kinh tế khó khăn nên các gia đình không đầu tư cho thế hệ tương lai theo học. Dù đã được Nhà nước hỗ trợ cho học sinh trong diện hộ nghèo đến trường, nhưng nhiều học sinh ở bản đến mùa nương rẫy, bỏ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ việc nhà…

Số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động ở xã Mường Mươn còn nhiều. Theo thống kê thì số người nghiện ma túy được quản lý là 17 người, nhưng theo lãnh đạo xã thì còn số này chưa phản ánh đúng thực trạng, vì số người nghiện thường xuyên di biến động. Thời gian qua, xã đã tổ chức nhiều đợt cai nghiện ma túy cho các đối tượng này nhưng tỷ lệ tái nghiện vẫn là 100%. Sử dụng ma túy, lười lao động đi cùng với đói nghèo; cai rồi lại tái nghiện như cái vòng kim cô gắn chặt lên đầu các hộ có người nghiện ma túy mà không thể cởi bỏ.

Để Mường Mươn sớm thoát khỏi đói nghèo, người dân có cuộc sống ấm no, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để họ thay đổi tư duy sản xuất cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm từ bao đời nay; phải thực sự coi đây là cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy của người dân. Có như vậy, người dân vùng biên giới này mới thoát khỏi đói nghèo.

Bài, ảnh: Vinh Duy
Bình luận
Back To Top