Gánh nặng tăng trưởng kinh tế dồn vào sáu tháng cuối năm

09:45 - Thứ Ba, 09/08/2016 Lượt xem: 3104 In bài viết

Sau nửa đầu năm 2016, GDP chỉ tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,7% của cả năm, cho nên gánh nặng tăng trưởng kinh tế dồn cả vào sáu tháng cuối năm 2016. Tuy nhiên, tình hình kinh tế tháng 7 vừa qua vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt.

Trong khi nông nghiệp vẫn phải đối mặt những khó khăn do thiên tai và biến đổi khí hậu, thì chỉ số công nghiệp cũng chỉ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn hẳn con số tăng trưởng 10% của cùng kỳ năm 2015, trong đó, công nghiệp khai khoáng tháng 7-2016 tiếp tục giảm 2,9%. Riêng trong tháng 7-2016, bên cạnh 9.621 doanh nghiệp (DN) thành lập mới (giảm 1,4%) vẫn còn tới 5.933 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 10,6% và 915 DN giải thể, tăng 5,9% so với tháng 6-2016.

Tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn căng thẳng do tổng thu NSNN tính đến 15-7-2016 mới chỉ đạt 49,4% dự toán năm, thậm chí thu từ dầu thô đạt vỏn vẹn 39,6% dự toán và thu từ khu vực DNNN cũng chỉ bằng 38,4% dự toán năm. Vì vậy, mặc dù chi NSNN bằng 47,6% dự toán năm, song thâm hụt NSNN sau bảy tháng đã lên đến hơn 105 nghìn tỷ đồng, tương đương 41,6% mức bội chi cho phép cả năm.

Một trong những động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng là xuất khẩu tiếp tục khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu tháng 7-2016 không những không tăng mà còn giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước, riêng khu vực kinh tế trong nước giảm 0,6%. Vì vậy, tính chung bảy tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước - bằng một nửa mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm.

Đáng chú ý là nếu loại trừ yếu tố giá thì cũng sau bảy tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tăng 9,5% do nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực chịu tác động giảm mạnh về giá, chẳng hạn như dầu thô giảm 44,5% về kim ngạch, tuy lượng xuất khẩu chỉ giảm 21,8%, hay kim ngạch xuất khẩu sắt thép giảm 3% trong khi lượng lại tăng 25,5%, hoặc cao-su giảm 10,4% còn lượng lại tăng 4,9%,… Tổng cầu tiêu dùng trong nước cũng chưa có dấu hiệu cải thiện nhiều với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9% so với tháng trước và tính chung bảy tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 8% của cùng kỳ năm 2015).

Rõ ràng, muốn đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế sáu tháng cuối năm, cần có đột phá thông qua kích thích tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, kể cả khu vực FDI, đặc biệt là hỗ trợ các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Thay vì đẩy mạnh đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, các cơ chế chính sách nên tập trung vào khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh của khu vực ngoài nhà nước, dựa trên ba trụ cột: tăng tổng tín dụng cho nền kinh tế, nhất là vào năm lĩnh vực ưu tiên tín dụng; giảm nhẹ gánh nặng thuế phí và thu nộp NSNN cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính và môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN phát triển.

Các cơ chế chính sách đó nhất định sẽ phát huy hiệu quả tích cực nhờ môi trường kinh tế vĩ mô vẫn đang duy trì sự ổn định với CPI tháng 7-2016 chỉ tăng 2,48% so với tháng 12-2015, và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước (CPI bình quân bảy tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015), mặt bằng lãi suất không có biến động mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định (chỉ số giá USD tháng 7-2016 giảm 1,02% so với tháng 12-2015), thặng dư cán cân thương mại, dự trữ ngoại hối tăng,...

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top