Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bảo hiểm

14:44 - Thứ Ba, 09/08/2016 Lượt xem: 2801 In bài viết
Dù đã đạt được những kết quả tích cực song thị trường bảo hiểm vẫn còn những hạn chế về thể chế cần sớm khắc phục để thực hiện quản lý tốt hơn, phục vụ doanh nghiệp và xã hội hiệu quả hơn.

Đây là nội dung được trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề về lĩnh vực bảo hiểm của Bộ Tài chính diễn ra chiều 8/8.

 

Hình ảnh tại buổi họp báo.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến cuối năm 2015, toàn thị trường bảo hiểm có 60 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, trong đó có 29 DNBH phi nhân thọ, 17 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm và 2 DN tái bảo hiểm.

Đến cuối năm 2015, tổng doanh thu bảo hiểm đạt 84.506 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt 70.165 tỷ đồng (tăng 191% so với năm 2011), doanh thu đầu tư đạt 14.341 tỷ đồng. Nhìn chung, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng khá tích cực (tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm bình quân cả giai đoạn đạt 16,8%/năm), đạt được các mục tiêu trung hạn của chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020 theo Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đánh giá: Tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường được nâng cao. Các DNBH đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, công tác thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Về bảo hiểm thủy sản (tàu cá), tính đến 30/6/2016 đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên; tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, song thị trường bảo hiểm vẫn còn những hạn chế như số lượng sản phẩm bảo hiểm tuy nhiều, nhưng đa số được thiết kế cố định, trọn gói, khó điều chỉnh, chia nhỏ theo nhu cầu đa dạng của bên mua bảo hiểm. Năng lực quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động của một số DNBH phi nhân thọ chưa cao, vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH phi nhân thọ. Hiệu quả hoạt động tái bảo hiểm còn thấp...

Để khắc phục những hạn chế này, theo ông Nguyễn Quang Huyền, cần nhanh chóng có những giải pháp khắc phục nhằm hướng tới một thị trường phát triển bền vững. Ông Huyền cho rằng nếu phân tích vào một số lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, cụ thể tổng số tiền bồi thường bảo hiểm thủy sản chỉ bằng khoảng 1/3 tổng số phí bảo hiểm. Trong khi đó, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm nông nghiệp lại cao gần gấp 2 lần tổng số phí bảo hiểm. Về con số chênh lệch khá lớn giữa tổng số phí bảo hiểm và số tiền được bồi thường bảo hiểm nông nghiệp là vì ban đầu thực hiện chương trình này, cả cơ quan chức năng và các DN bảo hiểm không lường trước được mức bồi thường bảo hiểm quá lớn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huyền khẳng định, kết quả thí điểm cho thấy đây là một chính sách lớn, cần thiết và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Thông qua chương trình đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan Trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp.

Đặc biệt, trong điều kiện diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp, việc tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết và cần có chính sách khuyến khích người sản xuất nông nghiệp tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến địa phương tổ chức họp với các doanh nghiệp bảo hiểm, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ hoàn chỉnh báo cáo Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Mục tiêu hướng tới là triển khai không giới hạn đối tượng bảo hiểm, không giới hạn địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp, thực hiện trên cơ sở tự nguyện, có sự hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm của ngân sách địa phương theo nguyên tắc tự cân đối nguồn bảo đảm và tập trung hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế (hộ nghèo, cận nghèo).

Về bảo hiểm thủy sản (tàu cá), trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố liên quan để giám sát, chỉ đạo các DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm đẩy mạnh hơn nữa triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân, các DN bảo hiểm và các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với đó, trong các kế hoạch và giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể, Bộ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNBH tiếp cận hiện trường xảy ra tổn thất (cháy, nổ) và tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tham gia bảo hiểm để kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, bảo đảm khách quan, đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký.

Để nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DNBH, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ban hành các quy định về quản trị rủi ro, quản trị tài chính DN tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp phải kết nối được với các hệ thống chung của thị trường và cơ quan quản lý, giám sát, đáp ứng được các yêu cầu quản trị DN, hiệu quả hoạt động và yêu cầu giám sát của cơ quan quản lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm, tạo mặt bằng về mức phí sàn, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, triển khai hệ thống phần mềm quản lý, giám sát trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các DN, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ DN phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top