Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa ở huyện Điện Biên

09:13 - Thứ Tư, 10/08/2016 Lượt xem: 3758 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 1 tháng gieo cấy, thời điểm này, diện tích lúa mùa ở một số xã, như: Thanh An, Thanh Xương, Noong Hẹt… thuộc huyện Điện Biên đang bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng, vì vậy, người dân địa phương đang tập trung chăm sóc và tăng cường các biện pháp phòng, chống sâu bệnh hại lúa.

Trên những cánh đồng lúa thuộc địa bàn huyện Điện Biên, hiện nay nhiều người dân đang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ông Trịnh Văn Hậu, đội 19, xã Noong Hẹt, cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy khoảng 2.000m2 lúa với các giống: Bắc thơm và Séng cù. Sau khoảng 45 ngày gieo cấy, đến nay, ruộng lúa của gia đình chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng. Biết được, đây là giai đoạn quyết định năng suất lúa song xuất hiện nhiều sâu bệnh nên tôi phải tích cực thăm đồng, theo dõi tình hình phát triển của cây lúa. Nghe nói, một số diện tích lúa mùa ở các xã khác trên địa bàn huyện có dấu hiệu của bệnh đạo ôn và khô vằn, tôi chủ động mua thuốc BVTV phun phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã để tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

 

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) phun thuốc BVTV phòng trừ bệnh hại.

Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 6.300ha lúa mùa, trong đó có hơn 4.100ha lúa gieo cấy ở các xã khu vực lòng chảo, diện tích còn lại được gieo cấy ở các xã vùng ngoài. Đến thời điểm này, diện tích lúa mùa trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt; trà lúa sớm thuộc các xã khu vực lòng chảo đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái; còn trà muộn ở các xã: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng… đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Đối với diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn chuẩn bị đứng cái, làm đòng, để lúa cứng cây, chắc quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên khuyến khích người dân địa phương sử dụng phân kali đơn bón cho lúa.

Ngoài ra, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh, tình hình thời tiết trong thời gian tới tiếp tục có mưa vừa đến mưa to và dông, nền nhiệt độ và độ ẩm cao. Cùng với việc bà con bón phân không cân đối khiến cây lúa phát triển không bình thường. Đó là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, khô vằn phát sinh, phát triển lây lan trên diện rộng. Để phòng, trừ sâu bệnh lây lan, cán bộ nông nghiệp địa phương yêu cầu người dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện sâu bệnh hại lúa. Trạm BVTV huyện đã có văn bản hướng dẫn  phòng trừ sinh vật gây hại lúa giai đoạn giữa vụ mùa 2016, đối với một số diện tích lúa mắc bệnh đạo ôn, bà con nên sử dụng một số loại thuốc BVTV, như: Filia 525 SE, Bum 650WP... Còn những diện tích lúa xuất hiện dấu hiệu của bệnh khô vằn người dân cần sử dụng các loại thuốc, như: Damicine 3 SL, Carbenzim 500FL, Vida 5WP… để phòng trừ. Đồng thời, chủ động phun phòng, trừ một số loại bệnh khác như: rầy, bệnh bạc lá vi khuẩn. Nếu diện tích lúa cùng xuất hiện bệnh đạo ôn và khô vằn, có thể sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc để phun trừ; liều lượng và nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì thuốc, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” khi phun…

Khi ruộng bị nhiễm bệnh, cán bộ khuyến nông các xã cần khuyến cáo người dân địa phương ngừng bón các loại phân, đặc biệt là phân có chứa hàm lượng đạm cao, không phun các loại phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng; không để ruộng khô hạn; góp phần hạn chế tình trạng sâu bệnh hại lúa lây lan trên diện rộng làm giảm năng suất lúa vụ mùa năm 2016.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top