Thu, nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông qua bưu điện

Thuận lợi cho người dân

10:46 - Thứ Tư, 17/08/2016 Lượt xem: 3496 In bài viết
ĐBP - Từ ngày 1/7/2016, Bưu điện tỉnh triển khai gói dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới công dân trên địa bàn. Theo đó, khi bị xử phạt hành chính vì vi phạm quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, thay vì phải đến kho bạc hoặc cơ quan xử phạt nộp phạt và nhận giấy tờ tạm giữ theo lịch ghi trong giấy hẹn, người vi phạm có thể đến các điểm bưu cục gần nhất để làm các thủ tục này. Sau hơn 1 tháng triển khai, gói dịch vụ này đang cho thấy sự hiệu quả trong việc giảm thủ tục hành chính cho các cơ quan liên quan và tạo thuận lợi cho người dân.

 

Cán bộ Bưu điện tỉnh làm thủ tục đăng ký dịch vụ cho người vi phạm Luật Giao thông đường bộ tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh).

Bà Bùi Thị Hà, Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh, Bưu điện tỉnh cho biết: Dịch vụ này góp phần giảm áp lực trong quá trình xử lý các thủ tục vi phạm hành chính cho các cơ quan như: Công an và kho bạc. Khi người vi phạm đăng ký sử dụng dịch vụ, Bưu điện tỉnh có trách nhiệm thu, nộp phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ đến đúng địa chỉ ghi trong bản kê khai của khách hàng. Qua đó, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người vi phạm. Thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ rất đơn giản, hơn nữa, đây là loại hình dịch vụ khá an toàn, tiện lợi. Trong thời gian từ 2 – 5 ngày (tùy địa điểm chuyển phát), giấy tờ tạm giữ sẽ được giao tận nhà cho khách hàng. Trường hợp để mất, thất lạc giấy tờ, Bưu điện tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng làm thủ tục cấp lại cho khách hàng. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ, đơn vị đã tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên. Đến nay, 100% cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện từ tỉnh đến xã đều đã được tập huấn và đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách hàng. Đồng thời, Bưu điện tỉnh bố trí 1 nhân viên chuyên trách tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) để phục vụ khách hàng.

Đồng quan điểm, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Dịch vụ này rất tiện lợi cho người vi phạm, nhất là với những trường hợp người vi phạm là người ngoại tỉnh. Có nhiều trường hợp người vi phạm ở ngoại tỉnh phải đến Điện Biên để nộp phạt; nếu thiếu sót thủ tục nào đó sẽ gây khó khăn cho người vi phạm nộp phạt hoặc phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian và chi phí. Triển khai dịch vụ này, bưu điện đã thay mặt cho người vi phạm làm việc với cơ quan chức năng để thu, nộp phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ đến người vi phạm. Tuy nhiên, do mới triển khai nên người dân chưa quen và sử dụng rộng rãi. Để phổ biến dịch vụ này, khi xử lý các trường hợp vi phạm, đơn vị luôn giới thiệu về 2 hình thức nộp phạt (qua đường bưu điện và nộp phạt theo quy trình trước đây) để người vi phạm lựa chọn.

Sau hơn 1 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có 104 lượt người vi phạm sử dụng dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua đường bưu điện. Trong đó: 102 trường hợp sử dụng dịch vụ thu, nộp tiền phạt và 2 trường hợp sử dụng dịch vụ chuyển giấy tờ tạm giữ.

Mặc dù tiện ích dịch vụ mang lại đã rõ, tuy nhiên, số lượng 104 người vi phạm sử dụng dịch vụ là ít trên tổng số 811 trường hợp vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ của toàn tỉnh trong tháng 7/2016. Anh Vàng A Tỷ, bản Pu Lau, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) cho biết: Dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt và chuyển giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Bưu điện tỉnh rất thuận tiện cho người vi phạm. Nhất là những ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính, bưu điện đều mở cửa làm việc, người vi phạm có thể nộp phạt được ngay, không mất thời gian chờ đợi, giảm chi phí do phải đi lại nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay giá cước dịch vụ tương đối cao so với điều kiện của người dân trên địa bàn. Như tôi, vi phạm chạy quá tốc độ quy định từ 5 - 10km/giờ, bị phạt 150.000 đồng. Sử dụng dịch vụ này, tôi phải thanh toán thêm 30.000 đồng phí dịch vụ. Nếu không phải do nhà xa thì tôi sẽ không sử dụng dịch vụ mà tự đến kho bạc để nộp phạt.

Hiện nay, giá cước đang áp dụng đối với dịch vụ thu, nộp hộ tiền xử phạt là 30.000 đồng; 60.000 đồng đối với dịch vụ chuyển phát giấy tờ tạm giữ hoặc giấy tờ bổ sung; 90.000 đồng đối với dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt kèm chuyển trả giấy tờ tạm giữ nội tỉnh và 132.000 đồng đối với dịch vụ thu, nộp tiền xử phạt kèm chuyển trả giấy tờ tạm giữ liên tỉnh. Bà Bùi Thị Hà, cho biết thêm: Sau khi nhận phản hồi từ khách hàng về giá cước dịch vụ, hiện đơn vị đang nghiên cứu để điều chỉnh giá cước cho phù hợp, nhằm đảm bảo lợi ích của bưu điện cũng như lợi ích khách hàng sử dụng dịch vụ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top