Hoạt động M&A tại Việt Nam có thể đạt 6 tỷ USD

14:25 - Thứ Sáu, 19/08/2016 Lượt xem: 3031 In bài viết
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, giá trị giao dịch có thể đạt 6 tỷ USD trong năm 2016.

Trao đổi tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 diễn ra tại TPHCM ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương kỳ vọng, hoạt động M&A thực sự trở thành công cụ hữu hiệu cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp (DN), đồng thời là một kênh huy động vốn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn mới.

 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hoạt động M&A tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để M&A tiếp tục tăng trưởng. Theo đó, cùng với những chính sách gần đây theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, nhà đầu tư, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt chương trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước, tăng tỉ lệ vốn bán ra, tiếp tục thực hiện lộ trình thoái vốn ngoài ngành.

Cùng với đó, sự hồi phục của thị trường vốn tại Việt Nam đã thôi thúc nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu thị trường kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, Chính phủ nới lỏng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư của DN các nước. Tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thương vụ giao dịch trên thị trường vốn không ngừng gia tăng. Trong 6 tháng qua, các nhà đầu tư của Thái Lan, Nhật Bản đã quan tâm nhiều đến các DN niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đồng quan điểm trên, ông Chris Freund, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quản lý quỹ Mekong Capital cho biết, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách pháp luật ngày càng thuận lợi, hoạt động M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2016-2020.

Xu hướng M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới, ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm… và nhiều nhà đầu tư quan tâm đến những lĩnh vực này. Trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 đã xuất hiện những thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng tỷ USD và có tác động quan trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực và nền kinh tế nói chung.

Thị trường M&A tại Việt Nam cũng đang đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của Tập đoàn Recof cho biết, dân số vàng, cùng với thu nhập ngày càng tăng của người dân Việt Nam là những yếu tố khiến nhiều nhà bán lẻ Nhật xem xét gia nhập thị trường Việt Nam.

Thậm chí, nhiều lĩnh vực khác cũng được DN Nhật bắt đầu xem xét. Chẳng hạn như lĩnh vực địa ốc, trong suốt một thời gian dài, DN Nhật không quan tâm, nhưng nay có xu hướng DN Nhật rót vốn vào bất động sản Việt Nam, tập trung ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và lan toả ra Đà Nẵng.

Sự thay đổi xu hướng đầu tư còn thể hiện ở đối tượng, không chỉ những DN lớn, mà cả những DN quy mô nhỏ cũng bắt đầu tham gia. 

Mặc dù vậy, theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, hầu hết các công ty nội địa tại Việt Nam chưa chuẩn bị kỹ càng cho hoạt động M&A, điển hình như tuân thủ thuế, kiểm toán... Tuy nhiên, vấn đề này đang dần được cải thiện.

Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa được thúc đẩy nhanh, trong khi ngày càng có nhiều doanh nhân trẻ thành lập các công ty tư nhân mới. Vì vậy, hoạt động M&A có thể sẽ dần dịch chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực tư nhân. Thị trường M&A nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, dẫn đầu bởi các công ty như Masan Group, GTN, Pan Pacific...

Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong 5 năm qua, tổng giá trị của các thương vụ M&A là 18 tỷ USD; trong 7 tháng của năm 2016 là hơn 3,2 tỷ USD. Mọi lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều đang thu hút mạnh mẽ các giao dịch, trong đó đặc biệt rất sôi động trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…

Dự kiến năm 2016, thị trường M&A Việt Nam có thể đạt kỷ lục mới, với số lượng giao dịch lên đến 600 vụ, giá trị 6 tỷ USD. Những thương vụ M&A lớn trên nhiều lĩnh vực sẽ đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng” trong khu vực ASEAN về thu hút dòng vốn FDI.
Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top