Gạo Tám Điện Biên trước nguy cơ đánh mất thương hiệu

08:49 - Thứ Năm, 15/09/2016 Lượt xem: 5217 In bài viết
ĐBP - Gạo Tám thơm Điện Biên từ lâu đã được nhiều người biết tới như một đặc sản bởi chất lượng dẻo, thơm, đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa với hàng chục nghìn tấn gạo được sản xuất mỗi năm trên cánh đồng Mường Thanh. 

Song thực tế trên thị trường bán lẻ gạo hiện nay, bên cạnh những đơn vị làm ăn chân chính, bán gạo “nguyên chất” thì vẫn có nhiều tiểu thương cố tình trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp, trộn gạo thường vào gạo thơm… để trục lợi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, chất lượng gạo Điện Biên.

 
Muôn kiểu “trộn” gạo

Trong vai người đang muốn mở một đại lý bán gạo tại huyện Tủa Chùa, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin tại nhiều cửa hàng chuyên thu mua, xay xát và bán thóc, gạo trên địa bàn. Tại một đại lý bán gạo trên đường Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Mường Thanh, sau khi ngỏ ý muốn đặt mua số lượng gạo lớn để chuyển đi bán lẻ ở huyện và tỏ ý băn khoăn về chất lượng trước thông tin gạo bị pha tạp hiện nay, chúng tôi được bà M. chủ đại lý bán gạo cho biết có hiện tượng gạo bị pha tạp, song không phải do tiểu thương mà do gạo đã bị lẫn tạp từ khi gieo trồng.

 

Tiểu thương bán gạo ở Chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Tiếp tục tìm hiểu thông tin, chúng tôi tới một đại lý chuyên xay xát, thu mua và bán thóc gạo trên đường Nguyễn Chí Thanh. Cũng với cách đặt vấn đề như ở đại lý trước đó, chúng tôi nhận được khẳng định của chủ đại lý về tình trạng gạo bị pha tạp. Người ta thường dùng các loại gạo cấp thấp có hình thức, đặc tính gần giống với loại gạo cấp cao để pha trộn. Chẳng hạn như gạo Tám Điện Biên thường bị pha lẫn các loại gạo có đặc tính tương tự nhưng lại thấp hơn đến vài giá như: đòn gánh gãy, IR64 hạt nhỏ, thậm chí là gạo miền Nam.

Để kiểm chứng thêm thông tin, chúng tôi tìm đến đại lý xay xát, thu mua và bán thóc gạo của gia đình chị H. tại tổ dân phố 6, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Theo chị H. không có một công thức chung nào cho việc “pha trộn” gạo mà việc trộn loại gạo khác vào ít hay nhiều là tùy từng người làm. Cách thức thì cũng muôn kiểu, trộn lẫn thóc ngay từ khi xát, hoặc trộn gạo sau khi đã xát xong. Theo chị H, ngay đến loại gạo Sén cù, có giá cao nhất so với các loại gạo tẻ ở các đại lý bán gạo hiện nay (trung bình khoảng 16.000 đồng/kg) nhưng cũng bị pha tạp với tấm nếp hoặc IR64.

Cánh đồng Mường Thanh có khoảng 4.600ha canh tác lúa hàng hóa, trong đó, các loại lúa thơm như: Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Tẻ thơm T10 chiếm 50 – 55% diện tích đều cho chất lượng cao, gạo ngon, năng suất đạt từ 6 – 7 tấn/ha. Dù là đặc sản song sản phẩm gạo Điện Biên sau khi sản xuất lại tiêu thụ tự do qua kênh của các tư thương, không có tổ chức, cơ quan nào đứng ra quản lý chất lượng, mẫu mã đóng gói, đặc biệt là phẩm cấp gạo nên khó đánh giá được chất lượng của “đặc sản Điện Biên”. Hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm, tự tìm thị trường cho sản phẩm, tiêu thụ dựa vào thương lái. Tại các cơ sở bán gạo, bao bì, nhãn mác đóng gói gạo Điện Biên cũng “mỗi nhà mỗi kiểu”: nơi thì “Gạo Tám Điện Biên”, nơi thì “Đặc sản gạo Tám Điện Biên” hay “Tám Điện Biên – đặc sản Tây Bắc”… Cũng bởi vậy mà nhiều khi ở Điện Biên, nhưng chưa chắc đã mua được gạo “xịn” để ăn chứ chưa nói đến việc gạo bán ở các tỉnh khác.

Cần siết chặt quản lý

Để đảm bảo uy tín cũng như chất lượng cho gạo Tám Điện Biên, trên thị trường tỉnh ta, các đơn vị kinh doanh cũng như cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều biện pháp khác nhau. Đơn cử như, tại Siêu thị Hoa Ba, trước khi đưa sản phẩm gạo vào bày bán, Doanh nghiệp ký hợp đồng kinh doanh, bao tiêu sản phẩm với người sản xuất, do đó, các loại gạo được cam kết đảm bảo nguồn gốc, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch, bảo quản và chế biến. Còn tại Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên, theo ông Hoàng Giang, Giám đốc Công ty thì, ngoài quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, để tránh lúa bị lẫn tạp từ khi gieo trồng đơn vị còn đặt mua giống thuần chủng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Bao bì đóng gói sản phẩm của doanh nghiệp đều có ghi rõ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, kiểm định an toàn thực phẩm… nhất là có in mã vạch để người tiêu dùng có thể tìm hiểu chi tiết thông tin về sản phẩm.

Tháng 9/2014, tỉnh ta đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm gạo Điện Biên (IR64 và Bắc thơm số 7). Tháng 3/2016 đã ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng CDĐL “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên. Quy chế quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình quản lý và phát triển gạo mang CDĐL “Điện Biên”, trong đó: Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và phát triển CDĐL “Điện Biên” có trách nhiệm cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm quản lý chất lượng gạo, hướng dẫn kỹ thuật bắt buộc trong sản xuất, bảo quản gạo cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh gạo mang CDĐL; Sở Công Thương có trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm gạo mang CDĐL ra thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, tránh việc gạo Điện Biên bị giả danh hay pha trộn ảnh hưởng đến chất lượng, gây mất uy tín, đồng thời tạo cơ hội cho gạo Điện Biên tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó phòng Quản lý Công nghệ An toàn bức xạ hạt nhân - Sở hữu Trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào đăng ký CDĐL “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64, một phần là do quy chế mới được ban hành nên kế hoạch tuyên truyền chưa sâu rộng, thông tin mới chỉ được đăng trên trang thông tin điện tử của ngành và một số ban, ngành liên quan. Hiện nay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn triển khai Quy chế Quản lý và sử dụng CDĐL “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên cho các đơn vị kinh doanh lĩnh vực sản phẩm gạo để các đơn vị nắm được các điều kiện, thủ tục, quy trình đánh giá, cấp, thu hồi quyền sử dụng CDĐL “Điện Biện” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64.

Trong khi nhiều loại thực phẩm thiết yếu như rau, quả, thịt... đã có sự kiểm soát nhất định về chất lượng, an toàn thực phẩm thì đáng ngạc nhiên là gạo, thứ lương thực mà hầu như người Việt Nam nào cũng sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày lại gần như chưa có một sự kiểm soát nào. Nhất là khi tỉnh ta đang có đề xuất đăng ký gạo đặc sản Điện Biên là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đủ các điều kiện về quy mô, sản lượng, thị trường lớn cần được xây dựng thương hiệu thì việc đảm bảo uy tín, chất lượng gạo càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Thiết nghĩ tránh để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” tỉnh ta cần có những cơ chế quản lý thiết thực và phải thực hiện một cách quy mô, bài bản đối với sản phẩm gạo Điện Biên từ khâu sản xuất đến khi bày bán trên thị trường. Từ đó, góp phần tạo nên thương hiệu gạo Điện Biên bền vững, xứng tầm với chất lượng.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top