Vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo

09:09 - Thứ Sáu, 16/09/2016 Lượt xem: 5093 In bài viết
ĐBP - Sau 6 năm thực hiện Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, ngày 7/8/2009 (sau đây gọi tắt là Quyết định 102) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo tại Điện Biên. 

Tuy nhiên, năm 2016, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh ta gặp một số vướng mắc như: Thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện; thay đổi về tiêu chí, hình thức xét hộ nghèo… nên đến thời điểm này vẫn chưa thể triển khai chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102/TTg. 

 
Người dân bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng sử dụng muối i ốt được hỗ trợ theo Quyết định 102.

Theo Quyết định 102, đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn là 100.000 đồng/người/năm, để các đối tượng thụ hưởng chính sách chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với thực tế của từng hộ. Để cụ thể hóa Quyết định 102, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định 122/QĐ-UBND, ngày 5/3/2013 về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn. Theo đó, những hộ nghèo của 10 huyện, thị và thành phố trên địa bàn tỉnh đều được hỗ trợ. Các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện theo phương thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân, hình thức hỗ trợ cấp phát bằng hiện vật theo định mức 25.000 đồng hỗ trợ muối iốt, số tiền còn lại hỗ trợ bằng giống cây trồng. Đến nay, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ bằng hiện vật, cây giống và muối iốt cho hơn 1 triệu lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí trên 120 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã đổi thay rõ nét. Nhận thức của người dân có chuyển biến tích cực, nhiều mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các giống cây, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất. Chính sách hỗ trợ muối iốt đã mang lại hiệu quả tích cực trong phòng ngừa bệnh bướu cổ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hiệu quả của chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 đã rõ, tuy nhiên, năm 2016, sự thay đổi về hình thức xét hộ nghèo đã khiến một số địa phương tỏ ra lúng túng trong triển khai thực hiện chính sách. Hiện nay, xét hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, so với chuẩn nghèo cũ thì tỷ lệ hộ nghèo ở hầu hết các địa phương đều tăn, do đó số khẩu nghèo cũng tăng mạnh. Các huyện: Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ… số khẩu nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều tăng từ 2 - 3 lần. Do đó, số vốn được phân bổ từ cuối năm 2015 - đầu năm 2016 không đủ để thực hiện hỗ trợ theo đúng định mức quy định tại Quyết định 102. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông cho biết: Xét theo tiêu chí của chuẩn nghèo đa chiều, huyện Điện Biên Đông có 43.914 khẩu thuộc 8.558 hộ nghèo được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 102, tăng gấp 2 lần so với chuẩn nghèo cũ. Năm 2016, huyện Điện Biên Đông được giao 2,33 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/TTg. Với nguồn kinh phí này, chỉ đủ hỗ trợ cho khoảng 50% số nhân khẩu nghèo của huyện. Hơn nữa, theo Quyết định 122/QĐ- UBND của UBND tỉnh quy định hỗ trợ bằng hiện vật gồm: Muối i ốt và giống cây trồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả các giống cây trồng trên địa bàn huyện đã qua thời vụ, nếu vẫn tiếp tục hỗ trợ giống cho người dân thì sẽ không phát huy hiệu quả. Vì vậy, đến thời điểm này, huyện Điện Biên Đông vẫn chưa thể triển khai hỗ trợ cho người dân.

Từ năm 2010 - 2015, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 đều do ủy ban dân tộc cấp tỉnh, huyện; Ban Dân tộc tỉnh và phòng dân tộc các huyện chủ trì. Tuy nhiên, tại Văn bản số 7146/VPCP-VIII, ngày 10/9/2015 của Văn phòng Chính phủ về kết quả rà soát chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 đã dẫn ý kiến chỉ đạo  của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan liên quan đưa chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 vào chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn theo danh mục các chính sách quy định tại Quyết định số 2324/QĐ-TTg, ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chủ trì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, năm 2016, các địa phương rất lúng túng, chưa thể triển khai thực hiện chính sách theo Quyết định 102.

Bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Năm 2016, tỉnh ta được cấp trên 20 tỷ đồng để thực hiện chính sách theo Quyết định 102. Đến nay, tỉnh mới phân bổ khoảng 17 tỷ đồng. Về nguồn vốn đủ để hỗ trợ cho 100% khẩu nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều. Nguyên nhân chính chưa thể triển khai thực hiện là tỉnh đợi văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, công tác rà soát hộ nghèo, khẩu nghèo đã hoàn thành, nguồn vốn đã sẵn sàng, khi có văn bản hướng dẫn, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai đến các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, đối với tỉnh ta, từ trước đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 102 được quy định cụ thể tại Quyết định số 122/QĐ - UBND. Tuy nhiên, quyết định số 122/QĐ - UBND chỉ có hiệu lực trong giai đoạn 2013 - 2015, đến nay vẫn chưa có quyết định sửa đổi bổ sung. Hiện nay, Ban Dân tộc đang tham mưu cho UBND tỉnh sửa đổi bổ sung Quyết định 122/QĐ-UBND để sớm triển khai hỗ trợ người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top