Kiên quyết xử lý, rút giấy phép đơn vị bán hàng đa cấp biến tướng

14:28 - Thứ Ba, 20/09/2016 Lượt xem: 2679 In bài viết
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) tổ chức chiều 19/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ kiên quyết xử lý, rút giấy phép đơn vị hoạt động BHĐC biến tướng.

Nhiều vi phạm trong hoạt động BHĐC

Thời gian qua, hoạt động BHĐC tại Việt Nam có nhiều biểu hiện biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại về tài sản và tinh thần cho nhiều người dân.

Tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến đầu tháng 9/2016, cả nước có 50 doanh nghiệp (DN) đủ giấy phép hoạt động BHĐC, giảm 17 DN so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, các công ty BHĐC đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 452 tỷ đồng. Theo báo cáo của 48 DN, số lượng người tham gia BHĐC 6 tháng đầu năm 2016 còn khoảng 500.000 người, giảm 57% so với 1.162.000 người cùng kỳ năm 2015. Loại hàng kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, 48 Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra DN hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 DN trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng.

Các vi phạm phổ biến gồm không đăng ký hoạt động, tự ý thay đổi hồ sơ, khuyến mãi “chui”, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mạng lưới quy mô lớn mà không thông báo với cơ quan chức năng, không cung cấp đầy đủ thông tin cho người có dự định tham gia BHĐC... Bên cạnh đó, 11 Sở Công Thương cũng kiểm tra và xử lý 17 DN BHĐC nhưng chưa có giấy chứng nhận với tổng số tiền phạt là 653 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra hoạt động BHĐC. Tính đến tháng 8/2016, Cục đã xử phạt 36 DN vi phạm với số tiền xử phạt trên 6,5 tỷ đồng.

Báo cáo nhanh từ 63 Chi cục Quản lý thị trường cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng.

Siết chặt quản lý

Theo ý kiến phản ánh từ các Sở Công Thương, hiện nay, các DN mặc dù đã thực hiện khá đầy đủ nghĩa vụ thông báo hoạt động BHĐC tại địa phương, nhưng việc quy định DN không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra.

Tại Hội nghị, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng số tiền phạt hiện rất nhỏ so với khoản tiền thu lợi bất chính mà DN kinh doanh đa cấp thu được, do đó xử phạt chỉ là một khía cạnh. Nhà nước phải xây dựng khung chính sách để DN làm ăn chân chính được hưởng lợi, DN trục lợi sẽ không có cơ để lách.

Ngoài ra, đặc điểm cơ bản của BHĐC là người tham gia/nhà phân phối đến tận địa chỉ của khách hàng để tư vấn, giải thích về công dụng của sản phẩm cũng như về các lợi ích về kinh tế trong chương trình trả thưởng của DN. Do được thực hiện tại các địa điểm riêng tư nên rất khó kiểm soát về nội dung và càng khó thu thập được chứng cứ để xử phạt người tham gia trong trường hợp nói sai, nói quá về công dụng của sản phẩm cũng như lợi ích của việc tham gia BHĐC để dụ dỗ khách hàng mua hàng hoặc tham gia vào mạng lưới do mình xây dựng.

Mặt khác, trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với BHĐC, một số cá nhân/tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước.

Hơn nữa, trong quá trình kiểm tra hoạt động BHĐC tại các DN và qua công tác xử lý khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh nhận thấy nhiều DN BHĐC cho phép người tham gia mua nhiều mã hàng nhưng không giao hàng cho người tham gia mà yêu cầu người tham gia ký biên bản gửi lại hàng cho DN. Đây là một kiểu "lách luật" rất nguy hiểm, cần được quan tâm xử lý khi sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Nhằm quản lý hoạt động BHĐC, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định số 42 quy định về quản lý hoạt động BHĐC trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, các quy định hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, chưa đủ sức răn đe.

Ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong BHĐC. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ các hoạt hoạt động BHĐC, hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC để trình Chính phủ thông qua vào cuối năm.

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý BHĐC

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngay khi nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHĐC, Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, xử lý nhiều DN, đặc biệt là phát hiện và phối hợp với liên ngành xử lý Công ty Liên Kết Việt.

Từ các cuộc kiểm tra này, Bộ Công Thương thấy rằng, việc gắn kết giữa các lực lượng quản lý về BHĐC đã phát huy tác dụng tốt, thời gian tới cần đẩy mạnh gắn kết hơn nữa; đồng thời thực hiện công khai và minh bạch thông tin tối đa, tương tác với cơ quan truyền thông. Kết quả gần đây cho thấy, các hiện tượng vi phạm trong BHĐC đã giảm bớt.

"Cái được nhất là thông tin và kết quả kiểm tra được công khai, minh bạch một cách tối đa. Chú trọng tương tác hai chiều đối với các cơ quan truyền thông nên tác dụng răn đe đã có hiệu quả nhất định", Thứ trưởng Khánh đánh giá.

Tuy nhiên, vẫn còn những DN không đăng ký BHĐC, nhưng vẫn thực hiện kinh doanh giống BHĐC như buôn bán tiền ảo để lừa đảo. Do vậy, cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ thế nào là kinh doanh BHĐC và thế nào là tham gia vào các loại hình khác. Bởi Nghị định 42 sửa đổi có hoàn thiện cũng chỉ có thể bảo vệ được những người tham gia vào BHĐC, chứ không thể bảo vệ được những người tham gia buôn bán tiền ảo như bitcoin, trừ khi họ chứng minh được là mình bị lừa đảo.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết đã dự thảo đề xuất tới 24 vấn đề nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh BHĐC; nhưng tập trung nhất là vấn đề minh bạch thông tin, tăng cường về kiểm tra, kiểm soát để cơ quan chức năng dễ dàng xử lý.

Ngoài ra, sẽ sửa quy định về đăng ký kinh doanh BHĐC, tăng cường điều kiện, quy định chặt chẽ hơn về người tham gia. Một nội dung sẽ bổ sung là yêu cầu ký quỹ, để bảo đảm mức tối thiểu 10 tỷ hay 20 tỷ đồng, hệ thống càng lớn, tỷ lệ ký quỹ càng phải cao để bảo đảm lợi ích cho người tham gia.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý BHĐC, sửa đổi những nội dung còn bất cập của Nghị định 42 cũng như Thông tư 24, để trình Thủ tướng vào cuộc họp Chính phủ thường kỳ sớm nhất.

Cần tăng mức xử lý vi phạm để bảo đảm đủ sức răn đe, đồng thời phân quyền cho Sở Công Thương các địa phương trong quản lý BHĐC. Đặc biệt siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC. "Kiên quyết xử lý, rút giấy phép đơn vị hoạt động BHĐC biến tướng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top