Đẩy mạnh tín dụng tại vùng khó khăn, nỗ lực hạ lãi suất cho vay

14:27 - Thứ Sáu, 07/10/2016 Lượt xem: 3884 In bài viết
Đẩy mạnh chính sách tín dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt quan tâm. Bên cạnh tín dụng cho hộ nghèo, NHNN cũng đang nỗ lực hạ lãi suất cho vay, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Triển khai hiệu quả tín dụng chính sách

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Lê Minh Hưng cho biết, NHCSXH đang thực hiện 22 chương trình tín dụng đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 31/8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH tăng 5,7% so với cuối năm 2015, với hơn 8,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Nợ quá hạn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 0,44% trên tổng dư nợ.

Tính theo các vùng, kết quả thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn khu vực Tây Bắc đến 31/8 đạt tổng dư nợ đạt 26.506 tỷ đồng, tăng 8,58% so với cuối năm 2015, với hơn 1,2 triệu khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,25% tổng dư nợ.

Tại đây có 3 DN được lựa chọn tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với tổng số tiền các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết cho vay là 318,5 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án đã được vay vốn là Dự án đầu tư mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè với doanh số giải ngân đạt 26,95 tỷ đồng tại Lào Cai và Dự án mô hình liên kết sản xuất với nông dân để duy trì mở rộng vùng nguyên liệu mía đường với doanh số đã giải ngân đạt 60 tỷ đồng tại Tuyên Quang. Đây là các dự án của những DN tiêu biểu về liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trong cả nước, được lựa chọn thí điểm nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ.

Tại Tây Nguyên, tổng dư nợ đến 31/8 đạt 13.009 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2015 với 666.406 hộ còn dư nợ tính theo từng chương trình, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,38%. Tại đây, một dự án sản xuất nước chanh dây cô đặc và trồng hoa lan hồ điệp đã được vay vốn với doanh số cho vay 109 tỷ đồng, dư nợ 47 tỷ đồng, chủ yếu là nợ trung, dài hạn với lãi suất cho vay 5,5%/năm.

Tại Tây Nam Bộ, đến 31/8, tổng dư nợ tín dụng chính sách vùng ĐBSCL đạt 26.550 tỷ đồng, tăng 5,1% so với 31/12/2015, với hơn 2 triệu khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn chiếm tỷ trọng 1,03%/tổng dư nợ. Tại khu vực này có tới 10 dự án sản xuất liên kết, ứng dụng công nghệ cao được tham gia chương trình thí điểm. Sau 2 năm triển khai, thông qua nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng, các DN có điều kiện hoàn thiện các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, mang lại lợi nhuận cho cả hộ dân liên kết và DN đầu mối như mô hình đầu tư chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco, mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco, mô hình liên kết cánh đồng lớn…

“NHNN sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Bảo đảm NHCSXH thật sự là công cụ hữu hiệu thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Nỗ lực hạ lãi suất cho vay

Bên cạnh tín dụng cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, NHNN cũng đang nỗ lực hạ lãi suất cho vay theo kỳ vọng của cộng đồng DN.

Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý. Để giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 04, là chỉ thị xuyên suốt với Chỉ thị 01, chỉ đạo tác tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện đã có một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay đối với một số đối tượng với thời hạn cụ thể. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại lớn có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khi thanh khoản của hệ thống vẫn tiếp tục dư thừa. Đây là cơ sở tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

“Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, bao giờ nhu cầu tín dụng cũng tăng cao hơn so với những tháng đầu năm, trong lộ trình và diễn biến của lạm phát hiện nay thì NHNN vẫn theo dõi rất sát để có thể điều hành”, Phó Thống đốc Hồng cho biết.

Theo số liệu cập nhật của NHNN, đến 22/9, tín dụng tăng trưởng 10,64% so với 31/12/2015, đây là năm thứ 2 liên tiếp tín dụng có mức tăng trưởng dương và tăng đều ngay từ đầu năm. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo các khu vực kinh tế khó khăn. Trong tăng trưởng tín dụng, ngành ngân hàng chủ yếu tăng tín dụng nội tệ (11,65%), dư nợ ngoại tệ tăng 1,62%, phù hợp với chủ trương chống “đô la hóa” của Chính phủ.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top