Thành tựu xây dựng nông thôn mới và bài toán phía trước

10:44 - Thứ Hai, 10/10/2016 Lượt xem: 4946 In bài viết

ĐBP - Sau 5 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (2011 - 2015), tỉnh ta đã có một số kết quả ban đầu đáng ghi nhận, đặc biệt là nhận thức và trách nhiệm của người dân một số khu vực được nâng lên, dần xác định được vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng NTM. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế địa phương và so sánh với các tỉnh trên cả nước, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Điện Biên, đến hết năm 2015, ngoài xã Thanh Chăn đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng NTM (1/116 xã, chiếm 0,86%), toàn tỉnh có 3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí: Thanh Xương, Noong Hẹt (huyện Điện Biên); Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng); 10 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 48 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và 54 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân cả tỉnh đạt 5,6 tiêu chí/xã, tăng 4,2 tiêu chí so với năm 2011; kể từ thời điểm xuất phát, đã có 43 xã thoát khỏi danh sách xã đạt dưới 5 tiêu chí về NTM. Sau 5 năm thực hiện chương trình, với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở… đã được xây dựng, thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Về phía người dân, mặc dù một bộ phận không nhỏ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nhận thức chưa đầy đủ về khái niệm “xây dựng NTM”, tuy nhiên đã có những điểm sáng đáng ghi nhận, khi người dân thể hiện vai trò đúng với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Điển hình như người dân các xã: Thanh Xương, Thanh Luông (huyện Điện Biên) chung tay làm đường bê tông nông thôn (Nhà nước hỗ trợ 70%, dân góp 30% tổng giá trị), hay mới đây nhất là người dân bản Hồng Phong, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) tự nguyện đóng góp 100% vốn, công để làm đường bê tông nội bản (tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng).

 

Người dân bản Lé, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay chung tay làm đường giao thông nông thôn.

Nhìn vào tổng thể lộ trình xây dựng NTM của tỉnh so với cả nước có thể thấy rằng: Điện Biên vẫn thuộc nhóm cuối. Chúng ta chỉ hơn tỉnh Bắc Kạn (chưa xã nào hoàn thành NTM) khi đã có 1 xã về “đích” (cùng với tỉnh Đắk Nông) nhưng khi so sánh về tiêu chí bình quân/xã, Điện Biên vẫn xếp sau các tỉnh này khi Bắc Kạn đạt trung bình 8,44 tiêu chí/xã, chỉ còn 4 xã đạt dưới 5 tiêu chí; Đắk Nông đạt trung bình 9,93 tiêu chí/xã và chỉ còn 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí; Lai Châu đạt bình quân 12,04 tiêu chí/xã, không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Vậy vì sao tỉnh ta đạt thấp khi xây dựng NTM? Có thể nhận ra một số nguyên nhân cơ bản như: Xuất phát điểm kinh tế của các xã trên địa bàn tỉnh thấp, đến thời điểm này vẫn có những xã thiếu hầu hết hạ tầng cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 100%, như Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, cả xã chỉ có 2 hộ thoát nghèo, nên khái niệm xây dựng NTM ở những nơi này khá… mơ hồ. Vì vậy mới có chuyện, khi được hỏi về xây dựng NTM trên địa bàn, lãnh đạo ngành nông nghiệp một huyện (xin được giấu tên) than thở có phần tiêu cực rằng: Cố gắng đạt “nông thôn cũ” đã là thành công rồi! Dân đủ ăn, đủ mặc, trẻ không phải bỏ học sớm để lên nương… thì mới tính làm NTM được. Vị cán bộ này cũng phân tích: Tất nhiên không phải cứ ép dân đóng góp tiền của mới là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà con có thể góp công, hiến đất hay nâng cao thu nhập của bản thân, gia đình, tiến lên thoát nghèo hoặc đoàn kết giữ vững an ninh trật tự địa phương… là đã đóng góp tích cực cho xây dựng NTM rồi. Có điều, nếu cứ sống biệt lập, tự cung, tự cấp, quan niệm cổ hủ, canh tác bảo thủ, lạc hậu; động tý là rào đường đang thi công, cố thủ giữ đất dự án… thì rất khó!

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đặt mục tiêu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM, 35 xã cơ bản đạt các tiêu chí NTM (từ 15 - 19 tiêu chí); bình quân đạt 11,3 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 18,9 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã giảm xuống dưới 37%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 58,6%... Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập của người dân với mục tiêu: 35 xã đạt tiêu chí thu nhập, 35 xã đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo, 81 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm… Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020 với nội dung: Xây dựng NTM với mục đích then chốt nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần toàn diện của nhân dân. Phấn đấu xây dựng các tiêu chí NTM nhưng không chạy theo thành tích dẫn đến nợ đọng (quy định nghiêm cấm nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình làm NTM) và không được huy động quá sức dân. 

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đó, tỉnh ta đã xác định những hạng mục: quy hoạch về xây dựng NTM; nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị; tổ chức sản xuất mà cụ thể là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; văn hóa - xã hội, môi trường. Giải pháp cơ bản, xuyên suốt là tiếp tục phát động, tổ chức tuyên truyền, vận động hệ thống chính trị cùng tham gia bằng những phương pháp linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng khu vực, từng đối tượng tiếp nhận. Từ đó phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc. Điểm mấu chốt, mang tính tương tác chính là việc đưa ra những chính sách về sinh kế phù hợp, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập (và cả nhận thức) cho người dân nông thôn. Người dân khi đã làm chủ được cuộc sống, kinh tế gia đình phát triển thì “NTM” sẽ đến.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top