Vấn đề hôm nay

Doanh nghiệp, doanh nhân là “xương sống” của nền kinh tế

08:50 - Thứ Tư, 12/10/2016 Lượt xem: 6269 In bài viết
ĐBP - Điện Biên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế: thủy điện, khai khoáng, trồng rừng, nông, lâm nghiệp... Biến tiềm năng thành lợi thế, tỉnh đã có nhiều chủ trương để thu hút, mời gọi đầu tư; chú trọng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân vào làm ăn. Với cách làm đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.060 doanh nghiệp và 165 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, thì hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh được quan tâm, khuyến khích phát triển mạnh hơn, nhờ đó, đã phát huy tối đa vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Phần lớn các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về lao động, việc làm, các chính sách về thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Điều đáng mừng là đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra đình công, tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về chế độ tiền lương, tiền thưởng và an toàn lao động...

Doanh nghiệp khỏe thì nền kinh tế mạnh. Minh chứng là hàng năm, các doanh nghiệp của tỉnh đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách địa phương, thu hút và tạo việc làm ổn định cho 38 nghìn lao động, với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong điều kiện nền kinh tế phục hồi chậm, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, các công trình, dự án khởi công mới ngày càng giảm, đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, các doanh nghiệp, doanh nhân luôn tìm cách thích ứng nền kinh tế thị trường, chủ động tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chủ động tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Xác định, doanh nghiệp, doanh nhân là “xương sống” của nền kinh tế. Sản xuất, kinh doanh ở tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, xa trung tâm các thành phố lớn, do vậy, tỉnh đã và sẽ nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động một cách thuận lợi nhất trong thời gian tới. Ưu tiên hàng đầu là thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng cải cách hành chính thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng... Tỉnh cam kết không can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp; gắn phát triển doanh nghiệp với giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt an sinh xã hội.

Là tỉnh miền núi, đất rộng, rừng nhiều. Do đó, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Đã có một số doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vốn liếng, khoa học kỹ thuật để khai thác tiềm năng về nông, lâm nghiệp, như chế biến gạo đặc sản, chè, cà phê, cao su, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng và chế biến lâm, thổ sản... Đây cũng là giải pháp góp phần thúc đẩy lộ trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Một mặt, hỗ trợ đội ngũ doanh nhân tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, là cơ hội để mở rộng mối quan hệ, tăng cường giao lưu, học hỏi, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bảo đảm yếu tố phát triển bền vững. Quan điểm của tỉnh là khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhưng không phải bằng mọi giá, mà ưu tiên hàng đầu cho các nhà máy, xí nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo giá trị kinh tế cao. Tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế trước mắt.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top