Vụ Công ty Cát Quế thất hứa việc chi trả tiền 4C ở Mường Ảng

“Hội chứng chồng lên hội chứng”

08:59 - Thứ Năm, 13/10/2016 Lượt xem: 13493 In bài viết
ĐBP - Sau gần nửa thế kỷ xuất hiện với danh xưng “mũi nhọn”, nhưng cây cà phê chè (Arabica) ở huyện Mường Ảng vẫn chưa khẳng định được gì nhiều, cho dù đó chỉ là loài thực vật vô tri vô giác. Từng có những thời điểm nhờ cây cà phê mà với người này thì ngày càng đỏ da thắm thịt, mũ cao áo dài, ăn đã to mà nói lại càng lớn; còn với không ít kẻ khác thì thân bại danh liệt, chọn chốn “cơm cân áo số” thay cho chỗ vinh thân phì gia...

Dịp này, khi mà dọc thung lũng Mường Ảng người nông dân đang tất bật với việc thu hoạch những lứa cà phê đầu mùa, thì đâu đó tại các căn ngõ hẹp, những cuộc đòi nợ rát rạt vẫn diễn ra như “việc thường ngày ở huyện”. Ngoài chuyện người dân đòi nợ “ông chủ”, còn là chuyện nhiều nông dân đòi nợ một... nông dân. Đúng là “hội chứng chồng lên hội chứng”. Nếu mấy năm trước “bóng ma” mang tên “Thái Hòa” (Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa) khiến hàng trăm hộ dân suýt mất đất sản xuất, thì nay cái họa mang tên “Cát Quế” (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Cát Quế) làm cho hàng nghìn người dân mất tiền, chỉ vì một khát vọng vu vơ mang ký hiệu “4C” với “cái chết” dây chuyền quét qua những phận người lam lũ, cả tin. 

 

Ông Hanssen Cornelis Hendrik (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra việc thực hiện chương trình 4C tại sân phơi cà phê nhà ông Nguyễn Văn Đoàn - thành viên 4C của Cty Cát Quế.

Số là, cuối năm 2013, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Cát Quế (Cty Cát Quế) do ông Phạm Thắng làm Giám đốc (Trụ sở chính: Xã Cát Quế, huyện Hoài Đức - Hà Nội), ký hàng trăm hợp đồng sản xuất cà phê sạch, bền vững 4C với người trồng cà phê chè ở huyện Mường ảng. Với lời hứa thơm như quế: “Hộ nào bán cà phê cho Cát Quế sẽ được thưởng 300 đồng/kg cà phê thóc khô và 100 đồng/kg cà phê quả tươi”; từ đó đến nay, Cát Quế đã thu mua ở Mường Ảng khoảng 2.500 tấn cà phê thóc, đồng nghĩa với việc lờ đi khoản tiền thưởng 4C khoảng trên 1,5 tỉ đồng mà lẽ ra người nông dân có quyền được hưởng. Mùa cà phê trước qua đi mùa cà phê sau lại tới, Công ty của ông Phạm Thắng thì đương nhiên không những đã “thắng” mà còn “thắng” liên tiếp, chỉ thương người nông dân Mường Ảng một lần nữa đem chuyện áo cơm ký thác vào những “chủ nhân ông” hứa vậy nhưng không làm vậy. Hoa cà phê vẵn trắng một màu nền nã, chỉ tiếc lòng người Cát Quế thì không “trắng” như hoa...

4C là bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê do Hiệp hội 4C quốc tế có trụ sở tại Bonn - Cộng hòa liên bang Đức tổ chức; viết tắt của 4 từ: Common (Chung), Code (Bộ qui tắc), Coffee (Cà phê) và Community (Cộng đồng) bao gồm: 10 quy tắc thực hành không được chấp nhận; 11 nguyên tắc đảm bảo điều kiện sống và làm việc; 11 nguyên tắc bảo vệ môi trường tự nhiên và 6 nguyên tắc giúp đỡ người nông dân tăng lợi nhuận... nhằm hình thành các vùng nguyên liệu cà phê sạch, bền vững. Theo đó, người nông dân trồng cà phê được các công ty, doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội 4C ký hợp đồng sản xuất theo quy trình này, sẽ được các đơn vị nhập khẩu cà phê nước ngoài thông qua các đơn vị xuất khẩu Việt Nam, trả thưởng khoảng 300 đồng/kg cà phê thóc và 100 đồng/kg cà phê quả.
“Càng làm càng lỗ” là câu nói cửa miệng của hàng nghìn hộ trồng cà phê. Trước kia 1ha cà phê trị giá 500 triệu - 600 triệu đồng, ngân hàng còn cho nông dân vay bằng nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi lãi suất và đặc biệt khi mức định giá tới 500 triệu đồng/ha. Người dân đổ xô đi vay tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, như: Điện, đường, sân phơi, bể nước, máy xát, lò sấy, bạt phơi, bao bì và lập trang trại rồi lại “cắm” trang trại vay tiền... Hậu quả là khi bãi cà phê cho không chả đắt, hàng trăm hộ nông dân cùng lúc phá sản, đồng bãi, nhà xưởng, xe cộ, máy móc... bị ngân hàng tịch biên. Ngay cả ngân hàng cũng lâm vào cảnh “phát mại không được, giãn nợ không xong” khi nợ chậm, nợ xấu lên tới hàng chục tỉ đồng; cả trăm hécta cà phê phát mại tài sản cũng bị bỏ hoang, vì không lấy đâu ra tiền dành cho việc chăm sóc. Chỉ trong vài năm gần đây, hết giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ra tòa, lại đến Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa đứng như “trời trồng” trước vành móng ngựa. Và nay, các cơ quan chức năng trong huyện liên tiếp nhận được đơn “kêu đau” của những người nông dân khốn khó. Trong mối liên kết “4 nhà”, thì duy nhất “nhà doanh nghiệp” thường xuyên hiện diện nhưng với những “miếng võ bí truyền” chỉ nhăm nhăm “tung chưởng” về phía các đối tác “giàu trí tưởng bở” của mình...

Danh chính ngôn thuận đều là thành viên 4C, trong khi Doanh nghiệp Tư nhân Cà phê Minh Tiến chấp nhận đầu tư kinh phí mở các lớp tập huấn Bộ quy tắc 4C cho hàng ngàn hộ trồng cà phê Mường Ảng; đồng thời đã ba vụ (2013 - 2014 - 2015) liên tiếp chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền thưởng 4C cho người dân như đã cam kết; thì Cty Cát Quế “lặng lẽ” cho người đến từng hộ, hoặc thông qua hệ thống đại lý của họ, ký hàng trăm hợp đồng 4C. Nhưng rồi cũng mấy năm qua, người dân vẫn không thấy tăm hơi bất cứ một đồng tiền 4C như lời hứa của Cty Cát Quế. Khi người dân hỏi thì đại diện Cty Cát Quế trả lời kiểu “xổ toẹt”, rằng họ không hề mua cà phê 4C.

Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Đức Lợi (Chủ tịch Hội cà phê Mường  Ảng) người đã mấy lần cất công đi tìm đại diện Cty Cát Quế để đòi tiền mua cà phê chịu và tiền thưởng 4C cho nông dân. Ông Nguyễn Đức Lợi cho biết cách đây chưa lâu đoàn công tác liên ngành (ông Lợi là một thành viên) của huyện, tổ chức thanh tra toàn diện “Xưởng chế biến cà phê Cát Quế”. Khi đoàn chất vấn ông Phạm Hoan thì ông này trả lời là đã thanh toán tiền 4C vào giá khi mua hàng rồi. Theo ý kiến ông Nguyễn Đức Lợi cũng như phóng viên tìm hiểu thực tế, trên địa bàn huyện Mường Ảng có 3 doanh nghiệp lớn thu mua cà phê thì Cát Quế không hề mua với giá cao hơn, thậm chí còn mua giá thấp hơn vào rất nhiều thời điểm, hợp đồng mua 31.000 - 32.000 đồng/kg, nhưng sau khi chở cà phê đi rồi, chỉ thanh toán cho dân 28.000 - 29.000 đồng/kg. Cực chẳng đã, chính quyền huyện, Công an huyện và Hội cà phê Mường Ảng phải đứng ra đòi, Cty Cát Quế mới chịu trả cho nông dân. Tại huyện Mường Ảng, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Tạ Mạnh Cường (Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện). Ông Cường tỏ ra không hài lòng trước hành vi mua bán nhập nhằng, cả việc đóng tại bản Pá Cha không trả thưởng và không giải trình việc trả thưởng 4C với lãnh đạo huyện, của Cty Cát Quế thời gian qua.

 

Trụ sở Công ty Cát Quế tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng.

Mặc dù chúng tôi đã cố gắng liên lạc với ông Phạm Thắng (Giám đốc Cty Cát Quế, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc (thành lập 5.2016), đóng tại bản Pá Cha, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng), nhưng không được. Sau đó, chúng tôi liên lạc với ông Phạm Chung - Phụ trách Cty Việt Bắc thì ông này khẳng định là không có 4C và đã có công văn gửi ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện (nhưng làm việc với chúng tôi, ông Tạ Mạnh Cường lại phủ nhận việc này). Sau khi bị phóng viên chất vấn vì sao Cty Cát Quế không có 4C mà đã 2 lần (1 lần vào năm 2014 và gần đây là ngày 21.9.2016) Hiệp hội 4C quốc tế và đại diện Hiệp hội 4C Việt Nam do ông Hanssen Cornelis Hendrik - Quản lý và điều phối hoạt động các văn phòng 4C.GCP tại các nước sản xuất dẫn đầu, đến kiểm tra công tác 4C của Cty Cát Quế, triển khai tại nhà ông Nguyễn Văn Đoàn và vợ là bà Trần Thị Chung (tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng); thì ông Phạm Chung quanh co rồi giới thiệu cho chúng tôi một người tên là Mơ mà theo ông Chung là cán bộ phụ trách việc này. Sau đó chúng tôi tìm hiểu thì người tên Mơ ấy đã bị Cát Quế cho nghỉ việc mấy tháng, chẳng ai biết giờ ở đâu!

Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn - Trần Thị Chung, hiện có khoảng 180 “chủ nợ 4C” ngày ngày truy đòi ráo riết, khiến ông bà “ăn không ngon, ngủ không yên”. Tính ra, mỗi năm ông bà Đoàn Chung thu mua cà phê 4C cho Cát Quế vào khoảng 65 triệu đồng tiền thưởng (500 tấn quả tươi và 50 tấn khô), đem nhân với 3 năm là 195 triệu đồng; đồng nghĩa với việc ông bà đang nợ 180 hộ dân nói trên gần 200 triệu đồng, do Cty Cát Quế không chịu thanh toán cho ông bà. Cùng cảnh còn có bà Trịnh Thị Hải (tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng), người ký hợp đồng 4C với Cát Quế nhiều nhất, mua gom cà phê 4C cho Cát Quế nhiều nhất và dĩ nhiên bà cũng là “con nợ 4C” lớn nhất (gần 400 hợp đồng). Hoàn cảnh chị Lò Thị Tình (bản Tin Tốc, xã Ẳng Nưa) cũng rất thê thảm. Chả có nghề nghiệp gì, đành làm đại lý thu mua cà phê cho Cát Quế. Năm ngoái chị Tình mua được chừng 70 tấn cà, nhưng Cty Cát Quế không trả tiền cho chị, nên năm nay, 70 “chủ nợ” mà chị giúp Cát Quế ký hợp đồng, nhất loạt không bán cà phê cho chị nữa...

Về Mường Ảng vào những ngày này, thả bộ dọc con đường liên xã từ thị trấn huyện vào xã Ẳng Nưa, chúng ta thấy thấp thoáng bên những hàng cà phê là những người nông dân lúi húi với công hái thuê chỉ trên dưới 100.000 đồng. Phải, có thể giá trị ngày công như thế là không cao, tuy nhiên không cao nhưng là đồng tiền chắc chắn. Còn hơn lời hứa trả thưởng 4C của Cát Quế, đầu môi còn đó, chót lưỡi còn đó, cả con người thật còn đó. Có ai thấu hiểu cho hoàn cảnh của những người nông dân, trước “vấn nạn Cát Quế” không?...

Bài, ảnh: Văn Hữu Đức
Bình luận
Back To Top