Khó khăn trong thu hồi vốn vay học sinh, sinh viên

08:32 - Thứ Hai, 17/10/2016 Lượt xem: 4126 In bài viết
ĐBP - Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 157/2007/QĐ – TTg về tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) nhằm giảm gánh nặng trong chi phí học tập cho những HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Tại tỉnh ta, sau gần 10 năm triển khai, chương trình này đã phát huy hiệu quả tích cực, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hàng nghìn HSSV nghèo theo đuổi ước mơ học tập. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng HSSV tốt nghiệp ra trường không có việc làm đã ảnh hưởng lớn đến việc hoàn trả vốn vay.

 

Cán bộ Phòng Giao dịch, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Chà giải quyết thủ tục cho sinh viên vay vốn tại xã Na Sang.

Tính đến ngày 30/9/2016, doanh số cho vay của chương trình HSSV toàn tỉnh đạt gần 227,5 tỷ đồng, dư nợ trên 76,4 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dư nợ với trên 3.900 khách hàng dư nợ. Với mục tiêu là hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho HSSV, bởi vậy, những năm qua, mức cho vay chương trình HSSV cũng nhiều lần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình năm 2007, mức cho vay là 800.000 đồng/tháng/HSSV; đến năm 2009 mức cho vay tăng lên 860.000 đồng/tháng/HSSV; năm 2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV lên 900.000 đồng/tháng/HSSV; năm 2011 tăng lên 1.000.000 đồng/tháng và năm 2013 tăng lên 1.100.000/tháng/HSSV. Lần tăng mức cho vay gần đây nhất năm 2016 với mức vay 1.250.000 đồng/tháng/HSSV. Chương trình cho vay HSSV đã phát huy được hiệu quả trong việc giảm bớt áp lực, gánh nặng về tài chính cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích và tạo động lực để HSSV yên tâm tiếp tục phấn đấu trong học tập. Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Điện Biên cho biết: Để chương trình triển khai đạt kết quả cao, chi nhánh đã chủ động tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động bình xét cho vay, hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích; tranh thủ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 157/CP đến từng hộ gia đình.

Theo quy định, HSSV được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khóa học. Tuy nhiên, tại tỉnh ta, hiện nhiều HSSV ra trường đã đến hạn cam kết bắt đầu trả lãi và vốn, nhưng việc thu hồi vốn với những đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do số HSSV hiện nay khi ra trường vẫn chưa tìm được việc làm, số có việc làm thì thu nhập lại rất thấp chưa đủ khả năng trả lãi và gốc vay. Chưa kể một số hộ gia đình dù con em ra trường đã có việc làm ổn định nhưng vẫn cố ý kéo dài thời gian trả nợ. Được biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng hơn 5.000 HSSV đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, trường nghề chưa tìm được việc làm, trong đó có khoảng trên 1.000 trường hợp vay vốn theo chương trình HSSV. Điều này dẫn đến tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình còn cao, chiếm 0,62% dư nợ của chương trình, trong khi tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình cho vay khác trung bình là 0,42%. Với tâm lý lo ngại sau khi ra trường, con em mình không xin được việc làm, không có nguồn để trả nợ nên nhiều gia đình dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn không dám vay vốn cho con đi học. Doanh số cho vay chương trình HSSV trên địa bàn tỉnh ta cũng vì vậy ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2013, doanh số cho vay đạt gần 20,5 tỷ đồng, đến năm 2014 chỉ đạt trên 13,2 tỷ đồng, năm 2015 tiếp tục giảm xuống còn trên 6,3 tỷ đồng và tính đến 30/9/2016 doanh số cho vay mới đạt khoảng trên 2 tỷ đồng.

Có thể nói, chương trình vay vốn HSSV là chính sách Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả, bởi đầu tư cho học tập là nâng cao dân trí và là hướng thoát nghèo bền vững nhất. Tuy nhiên, để việc cho vay và nhất là công tác thu hồi vốn đạt hiệu quả cao, tiếp tục tạo được nguồn vốn quay vòng, ngoài nỗ lực của Ngân hàng CSXH tỉnh nhằm nâng cao chất lượng tín dụng ngay từ địa bàn, thường xuyên thông báo cho khách hàng biết trước thời hạn các khoản nợ phải trả để họ có thời gian chuẩn bị và trả nợ đúng hạn thì các tổ được ủy thác phải tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức tự giác của những gia đình vay vốn để họ chấp hành nghiêm túc việc trả nợ vốn theo quy định. Đặc biệt, công tác giải quyết việc làm cho HSSV sau khi ra trường phải được các cấp, ngành liên quan quan tâm giải quyết kịp thời.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top