Thị xã Mường Lay với công tác giảm nghèo nhanh, bền vững

08:33 - Thứ Hai, 17/10/2016 Lượt xem: 3745 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, Thị ủy, UBND thị xã Mường Lay triển khai nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,04% năm 2011 xuống còn 5,6% năm 2015.

Thị xã Mường Lay có 3 đơn vị hành chính gồm 2 phường (Na Lay, Sông Đà) và 1 xã (Lay Nưa) với tổng diện tích tự nhiên 11.403,50ha. Thị xã có trên 4.000 hộ, với gần 15.000 nhân khẩu. Sau 10 năm thực hiện Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, bộ mặt đô thị, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thị xã Mường Lay có nhiều chuyển biến tích cực: Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; hầu hết nhà ở dân cư được xây dựng khang trang; một bộ phận người dân chuyển đổi thành công phương thức sản xuất, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thuần túy (trồng lúa) thời điểm trước tái định cư sang các ngành, nghề khác như: sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tiểu thương... Tuy nhiên, bên cạnh những hộ dân thích ứng với cuộc sống mới sau tái định cư, thì một bộ phận dân cư mặc dù đã được tham gia hàng loạt chương trình, dự án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, lĩnh vực, loại hình sản xuất nhưng vẫn chưa kịp thích ứng với các phương thức, loại hình sản xuất mới. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất nông nghiệp (toàn thị xã hiện có gần 1.000 hộ với gần 3.000 nhân khẩu sống dựa vào nghề nông) thiếu tư liệu sản xuất (chủ yếu là đất sản xuất) nên đời sống cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tỷ lệ nghiện ma túy trên địa bàn tương đối cao đã và đang là những nguyên nhân làm cho công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, Thị ủy, UBND thị xã Mường Lay tập trung nguồn lực các chính sách về an sinh xã hội trợ giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các chính sách để vươn lên thoát nghèo. UBND thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp; triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ vốn, đặc biệt là hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lao động, sản xuất; xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn; tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá các chính sách giảm nghèo tác động đến đối tượng thụ hưởng. Tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục; dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Khắc phục tình trạng thiếu tư liệu sản xuất cho nông dân, Thị ủy, UBND thị xã Mường Lay tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Từ đầu năm đến trung tuần tháng 10/2016, Thị xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới, tu sửa một số công trình thủy lợi trên địa bàn: Thủy lợi Phiêng Luông; sửa chữa đập đầu mối và tuyến kênh thủy lợi Tạo Sen; kiên cố hóa kênh mương đội 2 bản Ló; đầu tư xây dựng thủy lợi Co Sang, xã Lay Nưa. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân cải tạo lớp đất mặt các bãi tưới thuộc các công trình thủy lợi: Bản Đớ, Na Tung, Bản Mo... mở rộng diện tích ruộng bán ngập để người dân canh tác lúa mùa. Hiện nay, toàn thị xã có 287ha ruộng nước canh tác được 2 vụ/năm (tăng gần 60% so với thời kỳ đầu tái định cư) và 50ha ruộng bán ngập canh tác 1 vụ/năm. Vụ mùa năm nay, trên 80% diện tích các bãi tưới thuộc các công trình thủy lợi sử dụng vốn Tái định cư Thủy điện Sơn La trên địa bàn được đưa vào canh tác và phát huy hiệu quả, đã phần nào đáp ứng nhu cầu đất sản xuất cho nông dân. 9 tháng qua, tổng diện tích trồng cây có hạt trên địa bàn đạt 653,88ha; cây có bột khác 54,9ha; rau màu 33,6ha (tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2015). Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt gần 2.000 tấn.

Song song với công tác mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp, Thị ủy, UBND thị xã Mường Lay triển khai tốt công tác hỗ sản xuất cho nông dân. Từ năm 2011 đến nay, thị xã hỗ trợ nông dân giống nông nghiệp (chủ yếu là lúa giống) trên 1 tỷ đồng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 200 hộ, với 15 mô hình sản xuất với tổng kinh phí gần 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho vay ưu đãi cho hơn 3.000 hộ với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND thị xã hỗ trợ nông dân gần 6 tấn lúa giống; hỗ trợ nông dân khắc phục 70ha lúa chiêm xuân và 20 con gia súc bị thiệt do rét đậm, rét hại. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân phát triển kinh tế VAC kết hợp, trang trại vừa và nhỏ; căn cứ điều kiện cụ thể từng địa bàn lựa chọn loại hình chăn nuôi phù hợp: nuôi cá lồng mùa nước cả; chăn nuôi đại gia súc; nuôi lợn lai, lợn rừng và các loại gia cầm có giá trị kinh tế cao như: vịt lai, ngan Pháp, gà lương phượng... Đến nay, một số mô hình sản xuất đã mang hiệu quả cho nông dân như: tổ hợp tác nuôi gà (tổ dân phố 6, phường Sông Đà); nhóm liên kết làm bánh khẩu xén (bản Bắc 2); mô hình trồng rau xanh an toàn (bản Ho Cang, xã Lay Nưa)... đang góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top