Thay đổi cách thức quản lý tài sản công

14:46 - Chủ Nhật, 23/10/2016 Lượt xem: 2782 In bài viết

Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) để quản lý nguồn lực tài chính quan trọng này. Sau hơn bảy năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng TSNN tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Chính vì vậy, để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý TSNN, cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lĩnh vực này.

Phó Cục trưởng Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trải qua bảy năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng TSNN, hạn chế lớn nhất chính là cơ chế quản lý TSNN còn phân tán. Cơ chế này được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác TSNN. Cụ thể: Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận TSNN tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... mà chưa điều chỉnh đối với các loại TSNN khác như tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền in-tơ-nét và các tài nguyên khác. Do đó, nhiều nội dung thuộc chế độ quản lý, sử dụng tài sản, nhất là việc hạch toán tài sản, khai thác tài sản với vị trí là nguồn lực tài chính chưa có luật điều chỉnh để thực hiện. Chính điều này đã làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng TSNN.

Điểm hạn chế thứ hai chính là quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý TSNN bị phân tán. Để dẫn đến thực trạng này là do có nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản còn bất cập nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản. Việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về TSNN và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng TSNN, khiến dư luận có nhiều bức xúc.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng một số loại TSNN chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới về khai thác nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; khả năng thu hút các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản còn hạn chế, nhất là TSNN tại đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản kết cấu hạ tầng. Ngay chính các cơ quan quản lý chưa nắm được tổng thể về TSNN, công tác hạch toán chưa đầy đủ, thống nhất, chưa gắn quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật.

Giải thích nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do TSNN có phạm vi rất rộng, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa theo kịp với yêu cầu quản lý; ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu; tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý còn thiếu, chưa đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm.

Trao đổi về nội dung cần thiết để sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực này, Phó Cục trưởng Nguyễn Tân Thịnh cho biết, trong lần bổ sung, sửa đổi này, Bộ Tài chính đã bổ sung một số chính sách, nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công để phù hợp với mục tiêu, quan điểm xây dựng luật và phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời, bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình. Trong các quy định được bổ sung, có việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm. Bộ Tài chính cũng đặc biệt chú ý quy định chung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết... Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.

Theo công bố của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (bao gồm: đất, nhà, xe ô-tô, các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên), từ ngày 1-1-2009 đến ngày 31-7-2016, TSNN có tổng giá trị hơn một triệu tỷ đồng; trong đó, tại các cơ quan nhà nước là gần 282 nghìn tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp là 719 nghìn tỷ đồng, tại các tổ chức là 37,6 nghìn tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án là gần 3.195 tỷ đồng.

Theo ND
Bình luận
Back To Top