Thực hiện Đề án 79

Khó đảm bảo tiến độ

08:36 - Thứ Hai, 24/10/2016 Lượt xem: 2600 In bài viết
ĐBP - Quyết định 79/QĐ-TTg ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79), Đề án có mục tiêu ngăn chặn tình trạng di cư ngoài kế hoạch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; giúp người dân an cư, lạc nghiệp. Tổng vốn thực hiện Đề án được phê duyệt là gần 450 tỷ đồng. 

Trong đó, vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gần 300 tỷ đồng; tổng vốn sự nghiệp là gần 150 tỷ đồng tỷ đồng, nguồn vốn này chủ yếu dành hỗ trợ đời sống, phát triển sản xuất cho người dân thuộc diện thụ hưởng Đề án.

 
Đề án 79 có mục tiêu tổng quát là đến cuối năm 2015, tại địa bàn huyện Mường Nhé cũ (nay là 2 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ) các cơ quan chức năng hoàn thành việc sắp xếp, ổn định đời sống cho gần 11.000 hộ, khoảng 6,2 vạn người; phấn đấu thu nhập bình quân đạt 550.000 đồng/người/tháng; giảm số hộ nghèo từ 77% năm 2011, xuống còn 52% khi kết thúc Đề án (31/12/2015). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức là sau gần 1 năm kết thúc thời hạn, khối lượng công việc chưa thực hiện của Đề án còn rất lớn.

 

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Vĩnh Phúc thi công công trình nhà lớp học bản Húi To 1, 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé từ nguồn vốn Đề án 79.

Theo báo cáo của huyện Mường Nhé (đơn vị thường trực thực hiện Đề án), tính đến cuối tháng 10/2016, các cơ quan chức năng đã xây dựng, phê duyệt được 38 phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, đạt 93% so với kế hoạch. Theo đó, đã thực hiện di chuyển, sắp xếp ổn định 654/1.079 hộ (đạt 60,6% so với mục tiêu của Đề án) thành lập 31 bản mới, bố trí xen ghép, ổn định tại chỗ 6 bản. Tiến hành chia đất ở, đất sản xuất cho 654 hộ, diện tích đất ở được cấp trung bình từ 160 - 400m2/hộ; đất sản xuất trung bình từ 1 - 2ha/hộ.

Tính đến trung tuần tháng 10, việc thực hiện các công trình, dự án thuộc hợp phần đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng Đề án diễn ra rất chậm. Trong tổng số gần 300 tỷ đồng vốn đầu tư được Chính phủ phê duyệt thực hiện 84 công trình, dự án gồm: 23 công trình đường giao thông, 22 công trình nhà lớp học, 23 công trình cấp nước sinh hoạt, 9 công trình thủy lợi, 1 công trình kè bảo vệ đất ở, đất sản xuất; 6 công trình nhà văn hóa, đến nay mới có 24 công trình, dự án được đầu tư xây dựng hoàn thành; 39 công trình dự án đang thi công và 21 công trình dự án đang lập và trình thẩm định. Tổng vốn thực hiện đến thời điểm hiện tại là 169,929 tỷ đồng (57%), đã giải ngân 168,774 tỷ đồng. Theo ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, nguyên nhân thực hiện các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chậm kế hoạch tiến độ là do công tác quy chủ, lập phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình, dự án diễn ra rất chậm. Hiện nay, các cơ quan chức năng mới hoàn thành GPMB 19/31 điểm bản, đạt 61,29% kế hoạch. Số điểm bản còn lại đang trong giai đoạn tiến hành đo đạc, quy chủ và lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, triển khai xây dựng hạ tầng các khu điểm bản định cư mới thường xa trung tâm huyện lỵ; địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án; việc thực hiện đầu tư các công trình, dự án được thực hiện bởi nhiều sở, ngành, đơn vị, trong đó không ít sở, ngành thiếu kinh nghiệm, nhân lực thực hiện nên dẫn đến tình trạng tiến độ thực hiện diễn ra rất chậm...

Đề án có 7 phương án hỗ trợ sản xuất, với tổng vốn được phê duyệt là 147,168 tỷ đồng, đến nay số vốn đã thực hiện 99,629 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 99,179,6 tỷ đồng. Trong đó, 113 hộ được hỗ trợ 1.870kg ngô gống; 113 dụng cụ lao động, với số tiền 193.411.000 đồng; 100 hộ được hỗ trợ 100 con dê sinh sản, với số tiền 546.600.000 đồng. Hiện các cơ quan chức năng đang triển khai thực hiện hỗ trợ tiếp 8 điểm bản với 351 hộ, khối lượng 4.829,7kg giống ngô lai CP888 với kinh phí phê duyệt trên 400 triệu đồng. Việc thực hiện hỗ trợ diễn ra chậm tiến độ là do một bộ phận không nhỏ các hộ dân thiếu đất sản xuất; một số hộ đăng ký tới điểm định cư song chưa chuyển đến nên chưa thể hỗ trợ.

Hiện nay, tại một số điểm bản mới thành lập, số hộ chuyển đến định cư đạt dưới 50% số hộ đăng ký như bản: Nậm Kè 2, xã Nậm Kè 14/34 hộ đến ở; Mường Toong 7, xã Mường Toong 11/26 hộ đến ở; bản Húi To 1, Húi To 2 (xã Chung Chải) 7/30 hộ đến ở; bản Nậm Là 2 (xã Mường Nhé )19/50 hộ đến ở... Một số điểm bản: Nậm Kè 1, Tiên Tiến, Thống nhất (xã Nậm Kè); Tân Phong, Mường Nhé 1, 2, 3 (xã Mường Nhé) không có hộ dân đăng ký chuyển đến cư trú. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do việc đầu tư cơ sở hạ tầng theo nội dung Đề án phê duyệt tại các điểm bản mới thành lập chậm tiến độ kế hoạch; việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất gặp nhiều khó khăn, bất cập không đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân... từ đó, người dân trong diện thụ hưởng trực tiếp Đề án có tâm lý thiếu tin tưởng về triển vọng phát triển kinh tế - xã hội tại các điểm định cư.  

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, cũng như thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân vùng Đề án bao trùm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị được giao làm chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong lập và tổ chức thực hiện dự án, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác tư vấn, thiết kế; thẩm định thiết kế, dự toán; các sở, ngành tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Mường Nhé, làm tốt công tác lên phương án và tổ chức thực hiện GPMB... Về giải quyết nhu cầu về đất sản xuất cho nông dân, Ban Chỉ đạo Đề án 79 tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả các giải pháp cấp đất sản xuất, đáp ứng nhu cầu canh tác của nhân dân; tiếp tục phê duyệt và thực hiện hiệu quả các phương án hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top