Yêu nghề thì theo nghề đến cùng

08:50 - Thứ Hai, 24/10/2016 Lượt xem: 2449 In bài viết
ĐBP - Gần 20 năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc, chị Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu của nông dân trong phát triển kinh tế hộ: “Ai chẳng muốn làm giàu bằng chính nghề nông truyền thống của mình. Nhưng người dân khó thực hiện mơ ước làm giàu không chỉ bởi thiếu vốn, thiếu quỹ đất sản xuất, thiếu nguồn nước… mà còn bởi một lý do rất quan trọng: Thiếu kiến thức để làm giàu; khuyến nông nói chung chính là một trong những chỗ dựa quan trọng với người nông dân khi họ muốn bứt phá vươn lên. Còn với miền núi thì lực lượng khuyến nông lại càng trở nên quan trọng khi điều kiện học hỏi của người dân hạn chế hơn nhiều so với người miền xuôi, vùng thuận lợi...” - chị Xuân chia sẻ!

Hiện tại, chị Xuân được giao phụ trách công tác khuyến nông - khuyến ngư tại 3 xã trong huyện: Nà Tấu, Nà Nhạn và Thanh Chăn. Để hoàn thành nhiệm vụ, hàng tháng chị phải đi lại tới hơn 500km bằng xe máy và dành phần lớn thời gian để gắn bó, tìm hiểu, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Có nhiều chuyến xuống cơ sở phải ở lại với bà con tới vài ba ngày, nhất là những khi các xã triển khai giống cây trồng, vật nuôi mới, xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi thời tiết đổi mùa, bão lũ... Những lúc như thế, dù trong lòng rất xót con cái thơ dại, bố mẹ già ở nhà nhưng chị vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ. Những nỗ lực không mệt mỏi của chị Xuân đã góp phần quan trọng giúp nông dân ứng phó hiệu quả với những tác động tiêu cực từ khí hậu, sâu bệnh...

Chúng tôi tới thăm Hợp tác xã (HTX) Thủy sản ở đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên – một trong những địa điểm nuôi cá giống, cá thịt thành công nhất ở Điện Biên trong những năm gần đây. Ông Trần Văn Yên, Chủ nhiệm HTX kể: Tôi yêu nghề cá và gắn bó với mảnh đất này đã 50 năm qua. Trước đây do kinh nghiệm hạn chế, tiền vốn khó khăn nên tôi cứ loay hoay mãi mà không thành công, thậm chí đã nhiều lần trắng tay với nghề nuôi cá. Cũng may là tôi có 2 trợ thủ đắc lực là vợ và cán bộ khuyến nông. Vợ tôi đã xin nghỉ hưu sớm để giúp tôi làm nghề cá. Còn cán bộ khuyến nông - khuyến ngư huyện, chị Xuân dành nhiều thời gian, công sức để hỗ trợ tôi phát triển chăn nuôi. Từ 2009 đến nay, tôi đã thành công với việc nuôi cá giống, cá thịt và hình thành được HTX Thủy sản Thanh Chăn với lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Vợ chồng tôi và những xã viên HTX này biết ơn chị Xuân nhiều lắm.

Nói về những vất vả trong công tác chuyên môn chị Xuân nói: Công việc của người làm công tác khuyến nông - khuyến ngư như nuôi con mọn, rất nhiều việc. Bản này có mấy chục hộ đồng bào dân tộc Thái, sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng cây mận hậu, mận tam hoa, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bây giờ khoa học kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông ngày một nhiều, nhưng bà con chưa có nhiều điều kiện tiếp cận kiến thức nên bị thiệt thòi, khó làm ăn. Thấy thế, tôi tự nguyện làm công tác khuyến nông và không biết từ bao giờ, tôi đã thành khuyến nông viên của bản. Tôi cũng đi dự tập huấn, cũng nghe những ý kiến chỉ đạo từ khuyến nông cấp trên, rồi về hướng dẫn bà con dân bản…

Từ những đóng góp thầm lặng của các anh, chị làm công tác khuyến nông, sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Biên luôn phát triển vững chắc. Góp phần trợ giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top