Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại

14:15 - Thứ Sáu, 04/11/2016 Lượt xem: 3935 In bài viết
ĐBP - Xác định phát triển kinh tế đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác đối ngoại. Vì vậy, Kết luận số 02a - KL/TU, ngày 28/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy về “Chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại đến năm 2020” là cơ sở, là điều kiện thuận lợi để Điện Biên phát triển kinh tế đối ngoại.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại, du lịch, kinh tế cửa khẩu và đối ngoại; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác hội nhập kinh tế, thành lập ban chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới; chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các chính sách, pháp luật của Việt Nam và quốc tế về hội nhập kinh tế quốc tế, cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình vận động, hỗ trợ chính thức (ODA), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được tăng cường; các nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng, nâng cao điều kiện sống cho người dân.

 

Chợ phiên A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé thu hút đông dân cư 2 bên biên giới tham gia, góp phần thúc đẩy biên mậu, giao lưu văn hóa. Ảnh: P.V

Điện Biên có đường biên giới dài hơn 400,8km; trong đó, có hơn 360km tiếp giáp với Lào là điều kiện thuận lợi để Điện Biên hợp tác phát triển thương mại với các tỉnh Bắc Lào. Chú trọng tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, như: hướng dẫn doanh nghiệp lập thủ tục nhập khẩu gỗ qua khu vực mốc 49 xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); giới thiệu doanh nghiệp sang khảo sát chuẩn bị đầu tư tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Hoạt động thương mại biên giới được tăng cường trên tất cả các mặt; hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng rõ nét và hiệu quả. Hàng năm, Điện Biên đã tổ chức các đoàn cán bộ các sở, ngành và doanh nghiệp đi khảo sát và tìm kiếm thị trường, mở văn phòng đại diện tại các tỉnh Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan qua hoạt động hợp tác một số công ty, doanh nghiệp Điện Biên hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh Bắc Lào. Hai bên phối hợp triển khai khảo sát xây dựng các cặp chợ biên giới tại khu vực Nà Hỳ - Nà Khoa; Si Pa Phìn - Huổi Lả; Huổi Puốc - Na Son... theo quy hoạch chợ biên giới Việt Nam - Lào được Bộ Công Thương phê duyệt, tạo điều kiện cho nhân dân qua lại trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động biên mậu, tăng cường khai thác và phát huy lợi thế các cửa khẩu, lối mở đẩy mạnh hoạt động buôn bán qua biên giới.

Đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, Điện Biên tham gia phiên họp nhóm liên hợp giữa các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu (Việt Nam) với Vân Nam (Trung Quốc); đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Điện Biên và Vân Nam trong từng giai đoạn. Tỉnh ủy quyền cho sở Công Thương chủ trì cùng một số cơ quan, ban, ngành trong tỉnh hội đàm với đoàn đại biểu Chính phủ TP. Phổ Nhĩ (tỉnh Vân Nam) thống nhất nội dung để phát triển thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung. Hiện nay, khu vực này đã hình thành chợ biên giới, tạo thuận lợi cho nhân dân 2 bên thăm thân, trao đổi hàng hóa góp phần phát triển kinh tế tại khu vực, nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới. Tỉnh cũng chỉ đạo huyện Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ tăng cường quan hệ hợp tác với  huyện Giang Thành, TP. Phổ Nhĩ; xây dựng đề án thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách tại lối mở A Pa Chải..

Với nhiều hoạt động đối ngoại thiết thực, hiệu quả, công tác ngoại giao kinh tế của Điện Biên đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 5 năm qua (2011 - 2015) đạt 148,17 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 26%/năm. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 42,5 triệu USD, tăng 3,19 lần so với năm 2010. Trong đó xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 đạt hơn 93 triệu USD (giá trị xuất khẩu hàng hóa do các doanh nghiệp địa phương thực hiện đạt 62,28 triệu USD) chủ yếu là các mặt hàng xi măng, vật liệu xây dựng, nông sản và hàng tiêu dùng sang thị trường Lào. Tổng kim ngạch nhập khẩu giai đoạn trên đạt 54,7 triệu USD, chủ yếu là ngô, gỗ xẻ, thiết bị nhà máy thủy điện và hàng hóa tiêu dùng.

Mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt 350 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 22,67%; đến năm 2020 đạt 100 triệu USD, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các hiệp định thương mại tự do Chính phủ đã ký kết thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể trong từng lĩnh vực, từng sản phẩm nhằm khai thác tối đa cơ hội phát triển, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, cùng hành động. Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước có chung biên giới, đặc biệt là với các tỉnh Bắc Lào; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu. Mở rộng tiếp thị, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường trong nước, quốc tế và thị trường các tỉnh Bắc Lào, Thái Lan và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Liên doanh, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu theo hướng nâng cao hiệu quả tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu gắn phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp với phát triển cửa khẩu. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế Cửa khẩu Tây Trang, khu vực Cửa khẩu Huổi Puốc, khu vực lối mở A Pa Chải đưa các khu vực này trở thành trung tâm trung chuyển, giao dịch hàng hóa của tỉnh và các tỉnh vùng Tây Bắc với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Trung Quốc và Thái Lan.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top