Mô hình thâm canh giống lúa lai tại xã Háng Lìa

Góp phần nâng cao trình độ sản xuất

15:13 - Thứ Sáu, 02/12/2016 Lượt xem: 2792 In bài viết
ĐBP - Háng Lìa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông, giao thông cách trở, người dân chủ yếu sản xuất trên nương với tập quán canh tác lạc hậu, diện tích lúa nước nhỏ lẻ, manh mún nên năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế không cao. Nhằm giúp người dân thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất và từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vụ mùa năm 2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện và UBND xã Háng Lìa triển khai thực hiện mô hình thâm canh giống lúa lai Nhị ưu 838, quy mô 13,5ha với 21 hộ nông dân thuộc 2 bản Háng Lìa A, B tham gia. Đến nay, người dân đã thu hoạch xong, năng suất đạt 60 - 65 tạ/ha..

Tuy mới triển khai sản xuất được vụ mùa 2016, nhưng nhờ tham gia mô hình, bà con đã có sự chuyển biến tư duy sản xuất, như: xác định khung thời vụ; kỹ thuật canh tác cơ bản trong sản xuất lúa nước, kỹ thuật làm đất, định mức các loại phân bón và cách bón, kỹ thuật xử lý giống, một số biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại...

 

Vụ mùa 2016, gia đình anh Vàng A Lầu, bản Háng Lìa B, thu hoạch được trên 20 bao thóc giống lúa lai Nhị ưu 838.

Trước đây, gia đình anh Vàng A Lầu, bản Háng Lìa B có 4 nhân khẩu chủ yếu dựa vào 4.000m2 nương và 2.000m2 lúa ruộng, nhưng do sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất chưa cao. Vụ mùa năm 2016, khi UBND xã tổ chức triển khai mô hình thâm canh giống lúa lai Nhị ưu 838 tại bản, anh Lầu đã đăng ký tham gia và sử dụng 2.000m2 ruộng 2 vụ để thực hiện mô hình. Tham gia mô hình, anh được hỗ trợ 100% giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cuối vụ gia đình anh Lầu thu được 24 bao thóc. Anh Lầu cho biết: Sản xuất lúa nước cho năng suất, sản lượng cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa nương. Cùng đơn vị diện tích, trước đây nếu năm nào được mùa gia đình tôi thu hoạch chưa được 10 bao thóc, nhưng với giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì sản lượng đã tăng lên nhiều. Từ nay, gia đình tôi sẽ giảm diện tích lúa nương và tập trung gieo cấy lúa nước với loại giống mới này.

Không chỉ gia đình anh Lầu mà 21 hộ dân của 2 bản Háng Lìa A, B đã dần thay đổi tư duy sản xuất, quan tâm hơn đến sản xuất lúa nước. Ông Vàng Chứ Già, bản Háng Lìa A, phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ tập trung làm nương, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Khi UBND xã và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình, gia đình tôi dành 3.000m2 ruộng 2 vụ để tham gia sản xuất. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên năng suất và sản lượng lúa tăng rõ rệt. Vụ mùa vừa qua gia đình tôi thu hoạch được trên 20 bao thóc, tăng 5 bao so với các vụ trước đây.

Bà Bạch Thị Yến Ly, Phó Chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: Khi mô hình mới bắt đầu triển khai, khó khăn nhất là công tác vận động người dân tham gia vì bà con vẫn sản xuất theo kinh nghiệm là chủ yếu, còn hoài nghi về hiệu quả của mô hình. Nhưng thông qua mô hình này, bà con đã nắm được kỹ thuật canh tác. Ví dụ như, bón phân: trước đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn chưa biết dùng phân chuồng để bón ruộng; bà con chủ yếu gieo cấy 1 vụ với suy nghĩ để đất nghỉ và tránh đất bạc màu. Từ kết quả của mô hình bước đầu đã góp phần nâng cao trình độ thâm canh của người dân, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế bởi giảm chi phí vật tư, phân bón, đồng thời góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường bền vững.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top