Xây dựng nông thôn mới ở huyện Điện Biên

Bắt đầu từ lòng dân

09:14 - Thứ Sáu, 06/01/2017 Lượt xem: 5479 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, huyện Điện Biên đã xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp, với nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng, trình độ sản xuất, nhận thức của cán bộ, người dân, khả năng huy động nguồn lực... vẫn còn hạn chế; cộng với tâm lý hoài nghi về tính thực tiễn của nông thôn mới bắt đầu xuất hiện, ở một số lãnh đạo cơ sở và nhân dân... Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Điện Biên đã xây dựng Nghị quyết số 04 - NQ/HU ngày 15/4/2016 về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.

Trên cơ sở tình hình thực tiễn, Nghị quyết đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực cho cả nhiệm kỳ. Trong đó, về hạ tầng kinh tế phấn đấu đến năm 2020 cứng hóa 116km đường trục xã, liên xã 275km đường trục thôn, xóm 197km đường ngõ xóm; kiên cố hóa 2km kênh mương cấp 2 và 109km kênh mương cấp 3; phấn đấu 15 xã xây mới sân vận động, nhà văn hóa xã và 162 thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100% các hộ dân cư trong huyện xóa được nhà tạm. Về tổ chức sản xuất, phấn đấu năm 2020 toàn huyện có 6.000ha lúa chất lượng cao tại các xã vùng lòng chảo; 90% lao động nông thôn có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2,8 lần so với năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm xuống 2%. Về văn hóa môi trường, duy trì và giữ vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; phấn đấu 20% trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 80% các xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 80% trạm y tế có bác sỹ, xây mới 5 trạm y tế xã; 75% thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa. Về hệ thống chính trị, huyện đề ra mục tiêu tiếp tục đào tạo 100% đội ngũ cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định, phấn đấu 70% đảng bộ xã đạt trong sạch vững mạnh. Huyện Điện Biên cũng phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cơ bản các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 15/25 xã, phấn đấu đạt 10 tiêu chí trở lên đối với các xã còn lại...

 

Người dân xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) làm đường bê tông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ảnh: Phạm Trung

Để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết cũng đã đề ra 10 nhóm giải pháp thực hiện gắn với từng mục tiêu cụ thể: Tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo; công tác tuyên truyền; công tác quản lý quy hoạch; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng... Ông Vũ Văn Quyền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Sau 5 năm thưc hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhận thức của cán bộ và người dân đã có những chuyển biến rõ rệt, phong trào trở thành rộng khắp trong toàn huyện; bộ mặt nông thôn mới của các xã đã có những thay đổi rõ nét; cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, đời sống người dân được nâng lên... Trong năm 2016, huyện Điện Biên đã đưa thêm 4 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dụng nông thôn mới (xã Noong Hẹt, Thanh Xương, Thanh Luông, Thanh Hưng) nâng tổng số xã đạt nông thôn mới của huyện lên 5 xã; nhóm xã đạt dưới 5 tiêu chí giảm xuống còn 2 xã; nâng mức tiêu chí bình quân toàn huyện lên 7,9 tiêu chí/xã. Đến nay, toàn huyện có 6/25 xã đạt tiêu chí số 6 về giao thông; 10/25 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi; 5/25 xã cơ bản đạt tiêu chí số 6 về nhà văn hóa... Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân. Trên cơ sở tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động sức dân, ngày công của những đơn vị lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn; kêu gọi sự đóng góp của cá nhân, tập thể, doanh nghiệp... tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới năm 206 của các xã là 132.391 triệu đồng.

Theo ông Vũ Văn Quyền trên cơ sở thành tựu năm 2016, sang năm 2017 huyện Điên Biên sẽ tiếp tục chỉ đạo 5 xã giữ vững đạt chuẩn nông thôn mới (Thanh Chăn, Thanh Hưng, Noong Hẹt, Thanh Xương, Thanh Luông). Huyện phấn đấu thêm 5 xã đạt nông thôn mới (Pom Lót, Thanh Yên, Thanh Nưa, Thanh An, Mường Phăng). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của toàn huyện là 10,4 tiêu chí/xã...

Thanh Hưng là 1 trong 4 xã cơ bản hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016. Ông Lường Văn Tọ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hưng, cho biết: Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ chỗ còn xa lạ, mơ hồ, đến nay chương trình đã thành đề tài ở khu vực nông thôn, là mục tiêu trọng tâm của mỗi đảng bộ, chi bộ và là quyết tâm không chỉ của hệ thống chính trị mà còn là của mỗi người dân.

Đến đội 5, thôn Hưng Thịnh, xã Thanh Hưng, trao đổi về cách thức xây dựng nông thôn mới, bà Trần Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ thôn, chia sẻ: Năm 2010, khi nhận được chủ trương về xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn ai cũng ngỡ ngàng, có người cho rằng đó là chuyện không tưởng bởi “tiền đâu mà đi xây hết cả đường làng ngõ xóm được”. Để giúp người dân hiểu, thôn đã bầu ra Ban Phát triển do đồng chí bí thư chi bộ làm Trưởng ban. Trong các cuộc họp dân Ban tuyên truyền cho người dân hiểu được xây dựng nông thôn mới là lợi ích lâu dài; là Nhà nước và nhân dân cùng làm, làm đường được Nhà nước hỗ trợ xi măng, đá, hỗ trợ kỹ thuật... từ đó người dân thấy được lợi ích và bắt đầu hưởng ứng. Để giảm đóng góp trực tiếp của người dân, Ban Phát triển thôn đã vận động kêu gọi sự ủng hộ của các đoàn thể, cá nhân, những con em thành đạt ở địa phương... Nhờ cách làm đó mà đến nay, 100% đường giao thông nội thôn đã được bê tông hóa. Cụ thể trong xây dựng nhà văn hóa của thôn, ngoài được Nhà nước hỗ trợ 200 triệu, thôn đã vận động các tổ chức đoàn thể, cá nhân ủng hộ 120 triệu đồng, người dân chỉ phải đóng góp 60 triệu đồng... Đối với những tổ chức, đoàn thể không đóng góp bằng tiền có thể ủng hộ ngày công như: đoàn thanh niên ủng hộ ngày công san mặt bằng, xây tường rào; hội người cao tuổi ủng hộ ngày công sơn cánh cửa...

Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top