Phân bổ ngân sách địa phương năm 2017

Tăng kinh phí cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế

08:46 - Thứ Hai, 09/01/2017 Lượt xem: 5120 In bài viết
ĐBP - Quyết định 1526/QĐ-UB ngày 10/12/2016 của UBND tỉnh về việc giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2017 khác biệt cơ bản so với các dự toán thu, chi ngân sách địa phương những năm trước là: Tăng kinh phí cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế như: xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư... Đồng thời, giảm chi phí trong lĩnh vực quản lý hành chính và kinh phí hoạt động tại các tổ chức xã hội... Đây được coi là yếu tố quan trọng điều tiết nền kinh tế vĩ mô, tăng quy mô đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, phát triển bền vững.

Những năm gần đây, công tác phân bổ ngân sách (PBNS) địa phương tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định, việc thực hiện hiệu quả định mức PBNS Nhà nước đã và đang mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là tính công khai, minh bạch, công bằng và hợp lý trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước... Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Việc PBNS còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người quản lý mà chưa gắn chặt với việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả đầu ra. Hệ thống các tiêu chí, định mức phân bổ còn một số điểm chưa phù hợp, chưa khuyến khích địa phương, đơn vị tiết kiệm ngân sách. Hậu quả là một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội hoặc một số công trình, dự án lớn, dự án trọng điểm được đầu tư xây dựng trên địa bàn từ nguồn vốn ngân sách thiếu tính hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, việc phân bổ các nguồn vốn chương trình mục tiêu do Chính phủ quyết định, một số chương trình trùng lặp với nhiệm vụ của ngân sách địa phương. Công tác phân bổ vốn một số chương trình mục tiêu của tỉnh còn mang tính bình quân, dẫn đến việc thực hiện các công trình đòi hỏi nhu cầu đầu tư lớn gặp nhiều khó khăn, hoặc kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến lãng phí vốn và hiệu quả đầu tư thấp.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong PBNS Nhà nước trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương năm 2017 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% số chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương...), 50% nguồn tăng thu ngân sách huyện, thị xã, thành phố... UBND tỉnh thực hiện nghiêm PBNS trên những nguyên tắc cơ bản: Đảm bảo hiệu quả và công bằng trong chi tiêu, tạo ra động cơ đúng đắn trong sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị. Tiêu chí phân bổ hướng đến việc sử dụng ngân sách gắn với đầu ra, kết quả thực tế để phát huy tác dụng đòn bẩy tích cực của công cụ PBNS. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cùng các cơ quan chức năng từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức PBNS đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương. Khắc phục tình trạng bất hợp lý trong PBNS, UBND tỉnh điều chỉnh cơ cấu phân bổ ngân sách phù hợp cho các lĩnh vực, địa phương, đơn vị theo hướng giảm PBNS cho lĩnh vực quản lý hành chính, các tổ chức xã hội; tăng kinh phí cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kinh tế (xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, khuyến công). Giảm tỷ lệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường đầu tư cho các vùng trọng điểm và khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời nâng cao chất lượng lập dự toán và PBNS thông qua việc bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế từng giai đoạn; tăng cường sự kết hợp trong việc phân bổ và sử dụng các nguồn vốn ngân sách, huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển.

Nếu như những năm trước đây, trong PBNS, dự toán ngân sách chi cho đầu tư phát triển ít hơn so với mức chi thường xuyên, thì những năm gần đây, dự toán ngân sách địa phương chi cho đầu tư phát triển có xu hướng tăng mạnh, vượt hàng trăm tỷ đồng so với dự toán chi thường xuyên. Năm 2017, dự toán chi cho đầu tư phát triển: 6.486.538 triệu đồng (tăng 855.492 triệu đồng so với năm 2016); chi thường xuyên được phân bổ: 5.741.579 triệu đồng (tăng 825.673 triệu đồng so với năm 2016). Trong đó, chi quản lý hành chính: 1.135.462 triệu đồng.

Với việc UBND tỉnh nâng cao chất lượng công tác PBNS địa phương trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn địa phương... hứa hẹn sẽ khắc phục hiệu quả tình trạng “thừa - thiếu” trong sử dụng ngân sách; kết dư ngân sách Nhà nước với lượng vốn lớn. Qua đó, góp phần quan trọng điều tiết nền kinh tế vĩ mô, tăng quy mô đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top