Cây ý dĩ cần hướng đi chiến lược, bền vững

15:38 - Thứ Hai, 09/01/2017 Lượt xem: 7277 In bài viết
ĐBP - Những ngày cuối năm, lang thang trên các triền đồi khô cằn của vùng đất khó Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn những nương ý dĩ ngút ngàn đang vào độ thu hoạch. Phần lớn là giống ý dĩ đen được nhiều hộ dân trong xã trồng chỉ mới vài năm trở lại đây.

Ông Vừ A Trung – một trong những hộ tại bản Chua Ta B nhận thu mua ý dĩ cho biết: “Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều thương lái vào tận nơi hỏi mua ý dĩ, có người còn đặt tiền trước. Giá cũng được lắm, phải gấp đôi cây lúa. Rồi từ đó đến nay bà con trồng nhiều. Bình quân mỗi năm riêng gia đình tôi thu mua khoảng 30 tấn hạt, năm ít nhất cũng phải 15 tấn, nhiều thì 40 – 50 tấn”.

 

Nông dân bản Chua Ta B, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) kiểm tra nương ý dĩ sắp cho thu hoạch.

Cũng từ trao đổi này của ông Trung, được biết phần lớn cây ý dĩ trong khu vực đều được trồng thay thế những diện tích nương bạc màu canh tác các loại cây trồng khác năng suất thấp, hoặc người dân đã bỏ vài năm. Trong khi giá thóc cùng thời điểm cao nhất chỉ khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg, thì ý dĩ luôn giữ mức giá ổn định từ 10.000 – 12.000 nghìn đồng/kg, thậm chí ý dĩ đen lên tới 15.000 đồng/kg. Thay vì bỏ không đất, người dân trồng ý dĩ, giá thành lại cao gấp 1,5 – 2 lần trồng lúa, rõ ràng cây ý dĩ đang chứng tỏ ưu thế vượt trội của mình, khi mà loài cây này cũng không mất nhiều công chăm sóc mà vẫn phát triển tốt và nặng hạt.

Bên nương ý dĩ gần 1ha đang vào độ thu hoạch của gia đình, chị Vừ Thị Mỷ, bản Chua Ta B cho biết: “Diện tích này trước đây là nương lúa, do canh tác nhiều bạc màu lại thiếu nước nên trồng lúa không hiệu quả, gia đình đã bỏ không nhiều năm. Cuối năm 2014, nghe thông tin các thương lái hỏi mua hạt ý dĩ với giá thành cao, chồng tôi đã tìm mua lại giống của một số hộ trong bản về trồng”. Phấn khởi chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Mỷ cho biết, đến giờ thì đó là quyết định đúng đắn vì lợi ích kinh tế từ cây ý dĩ lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Với số diện tích hiện có, vụ năm nay gia đình chị có thêm gần 20 triệu đồng từ thu hoạch ý dĩ.

Không riêng gia đình chị Mỷ, theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn xã Phì Nhừ có khoảng gần 30ha trồng ý dĩ. Tập trung chủ yếu tại các bản: Chua Ta A, B; Chống Dông và Nà Ngịu. Với giá bán ổn định từ 12.000 đến 13.000đ/kg; năng suất đạt trung bình từ 1,5 đến 2 tấn/ha. Như vậy, mỗi ha trồng ý dĩ sẽ cho thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên. Thêm vào đó, do là loại cây không kén đất, có thể trồng trên diện tích nương có độ dốc lớn; cây phát triển nhanh, ổn định không bị sâu bệnh nên người dân cũng không mất nhiều công chăm sóc.

Tuy nhiên, khi đem vấn đề này trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên Đông thì chúng tôi được biết: Việc trồng cây ý dĩ hiện nay hoàn toàn là tự phát từ phía người dân và địa phương cũng như ngành chuyên môn hiện chưa có bất cứ thống kê nào liên quan đến loài cây này (diện tích, năng suất, sản lượng...). Ông Hoành thông tin thêm, cách đây chừng hơn 10 năm, cây ý dĩ ở Điện Biên Đông cũng có thời điểm coi là hoàng kim khi nó được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế, hứa hẹn đổi đời cho nhiều nông dân trong vùng. Sau 1 - 2 vụ thu hoạch giá cao, nông dân bắt đầu trồng ồ ạt với tổng diện tích vài chục héc ta. Năm 2005, có doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên diện tích ý dĩ tăng lên khoảng 50ha. Nhưng rồi doanh nghiệp lại mất hút khiến ý dĩ thu hoạch không biết bán cho ai, nông dân phải xay ý dĩ làm thức ăn cho lợn, gà. Thực tế này khiến nhiều người hoài nghi, liệu lịch sử có lặp lại khi mà hiện nay ý dĩ đang phát triển tự phát theo kiểu mùa vụ mà không có bất cứ sự bảo đảm nào mang tính bền vững?

Sự phù hợp, giá trị kinh tế của cây ý dĩ đã được khẳng định, thế nhưng, ý dĩ không thể phát triển và mang lại giá trị bền vững khi chưa có hướng đi mang tính chiến lược, bền vững.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top