Leng Su Sìn chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

08:34 - Thứ Sáu, 20/01/2017 Lượt xem: 6151 In bài viết
ĐBP - Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Duy Đáp, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi đang dần trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Theo thống kê, năm 2016 tổng đàn gia súc của xã ước đạt gần 2.000 con. 

Trong đó: 652 con trâu, bò; 896 con lợn; 415 con dê; 3.847 con gia cầm... Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững; mùa đông này xã Leng Su Sìn đã xây dựng kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh; triển khai đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn của huyện để mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, ủ ấm vật nuôi khi thời tiết giá lạnh. Xã cũng trực tiếp cử bộ thú y xuống địa bàn bám, nắm, kiểm tra, phát hiện và điều trị cho gia súc có biểu hiện mắc dịch bệnh, nhắc nhở bà con đưa gia súc về gần nhà để theo dõi trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa.

 
Hiện nay, điều kiện thời tiết ở vùng núi cao bắt đầu rét đậm hơn, xuất hiện sương muối, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa, che chắn, làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, gia cầm hạn chế tình trạng thả rông, tìm thức ăn ngoài tự nhiên; phát quang bụi rậm xung quanh, tránh ẩm ướt, lầy lội hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, cán bộ thú y xã khuyến cáo bà con cần cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch. Đặc biệt, thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của vật nuôi, khi thấy dấu hiệu bất thường nhanh chóng cách ly và báo cán bộ thú y, chính quyền xã để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Anh Chang Á Hoa, bản Leng Su Sìn, chia sẻ: Hiện nhà tôi nuôi 10 con trâu, bò và hơn chục con gia cầm các loại. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, khi thấy trời rét đậm tôi đã chủ động đưa gia súc về gần nhà để theo dõi, chăm sóc, chuẩn bị đầy đủ thức ăn sạch, như: Rơm, cỏ tươi... Đồng thời, tôi cũng chủ động tiêm vắc xin, vệ sinh sạch sẽ khu vực chăn nuôi, thực hiện giữ ấm vào mùa đông, nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm không bị mắc bệnh.

Từ thực tế cho thấy, để công tác phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi có hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, thú y xã thì các hộ chăn nuôi cũng cần nêu cao tinh thần, ý thức trong việc chăm sóc vật nuôi... Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo đàn vật nuôi phát triển ổn định.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top