UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

15:30 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 6484 In bài viết
ĐBP - Cụ thể hóa các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện; đảm bảo mọi doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng điều hành quản lý Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn: Để thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, trước tiên các cơ quan chức năng cần làm tốt hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Đặc biệt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngay từ thời gian khởi nghiệp là yếu tố quan trọng đảm bảo cho doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh đúng quy định; tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư công bằng, lành mạnh… UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ngày 22/9/2016, UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống nhất, ký cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với những nội dung cơ bản: UBND tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận, phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ đạo và chịu trách nhiệm triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 23/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện cơ chế “một cửa”, “ một cửa liên thông” tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc: khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung. Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của yêu cầu đó. Công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

 

Xuất bán xi măng tại Nhà máy Xi măng Điện Biên.

Một yêu cầu quan trọng mà UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải nêu cao vai trò và chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý; đôn đốc các cơ quan trực thuộc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các ban, ngành chức năng triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường trong nước và thị trường quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh: Đào tạo, tư vấn, thông tin thị trường...

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng thực hiện nội dung: đơn giản thủ tục và phấn đấu rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 2,5 ngày làm việc; giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh (bao gồm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư); rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 77 ngày, phấn đấu đến năm 2020 giảm xuống còn không quá 70 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công...); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản giảm xuống không quá 10 ngày; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng xuất khẩu và dưới 41 giờ đối với hàng nhập khẩu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng xuống còn tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp tối đa 24 tháng.

Một trong những giải pháp quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp là tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp ở các cấp khác nhau (đối với cấp tỉnh ít nhất 2 lần/năm, đối với cấp huyện là 1 lần/quý); tạo thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia góp ý về các quy định, chính sách của tỉnh; đảm bảo 100% các văn bản quy định về cơ chế, chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh do tỉnh ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp; 100% thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư và kinh doanh, các quy định, chính sách, quy hoạch của tỉnh và địa phương được công khai tại trung tâm hành chính công/trụ sở cơ quan hành chính các cấp/cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên website của các đơn vị, địa phương. Phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua mạng; cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top