Xây dựng nông thôn mới

Muốn ép cũng khó

15:35 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 4820 In bài viết
ĐBP - Tỉnh ta hiện có 8 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, ngoài giữ vững các xã đã đạt chuẩn, tỉnh đặt mục tiêu có thêm 7 xã gồm: Thanh Yên, Thanh An, Pom Lót, Mường Phăng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên), Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) và Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đạt tiêu chí nông thôn mới; số tiêu chí bình quân cả tỉnh đạt 6,73 tiêu chí. Mặc dù đã có những mục tiêu cụ thể, tuy nhiên, việc thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới còn khó khăn từ nhiều phía, nhất là các xã vùng cao.

Ông Hà Xuân Mừng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh là xây dựng theo hướng bền vững, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, phát triển nông nghiệp theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh; nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo chuỗi liên kết gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh trật tự; phát huy văn hóa và bảo vệ môi trường. Tổng kinh phí thực hiện trực tiếp cho chương trình trong năm 2017 là 200,3 tỷ đồng.

 

Trụ sở UBND xã Mường Tùng vẫn chưa được xây dựng đạt chuẩn.

Về công tác chỉ đạo tiến độ xây dựng nông thôn mới, 7 xã đặt mục tiêu hoàn thành nông thôn mới trong năm nay chắc chắn sẽ có áp lực khi phải hoàn thành nhanh các tiêu chí, trong khi quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau” của giai đoạn 2011 - 2015 đã “ngấm” khá kỹ. Còn đối với các xã không thuộc diện lựa chọn để hoàn thành nông thôn mới trong năm nay, cơ bản đều đặt mục tiêu hoàn thành từ 2 - 4 tiêu chí. Tuy nhiên, việc lựa chọn tiêu chí, phấn đấu thực hiện còn phải tùy thuộc vào sự thống nhất và khả năng của chính quyền, người dân địa phương, nếu “lực bất tòng tâm” thì muốn ép cũng không được.

Mường Tùng là xã vùng xa của huyện Mường Chà, hiện nay mới đạt 3 tiêu chí nông thôn mới gồm: Tiêu chí số 1 (quy hoạch), tiêu chí số 18 (hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh) và tiêu chí số 19 (an ninh trật tự xã hội). Ông Lò Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Tùng chia sẻ: Là xã có địa bàn rộng, từ khu vực thung lũng đến những địa bàn vùng cao xa xôi, hiểm trở; khu trung tâm có quốc lộ 12 đi qua và tiếp giáp với TX. Mường Lay. Những bản vùng cao như: Đán Đanh, Púng Chạng, Huổi Gió… cách trung tâm đến 60km, đường vào chỉ có 40km đi được bằng phương tiện cơ giới, còn lại 20km phải đi bộ dọc theo suối. Vì vậy, không biết đến bao giờ xã mới đạt được tiêu chí số 2 (giao thông). Điều kiện giao thông cách trở như vậy khiến đời sống kinh tế - xã hội của người dân các bản vùng cao đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cơ bản là 100%, điều này dẫn đến sự mất cân bằng rất lớn giữa vùng thấp và vùng cao. Thực tế 3 tiêu chí nông thôn mới Mường Tùng đạt được cũng đã là một sự “ưu ái”! Bởi ngoài hệ thống tổ chức chính trị đã được củng cố thì an ninh trật tự vẫn còn những khó khăn do đặc thù địa bàn. Hiện nay, để thực hiện tiêu chí quy hoạch theo nội dung của bộ tiêu chí: “quy hoạch và sử dụng đất, hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ” là điều rất khó. Cùng với đó, nguồn lực để xây dựng nông thôn mới xã cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Hạng mục hạ tầng thiết yếu như trụ sở xã cũng chưa được đầu tư; số vốn nông thôn mới 800 triệu đồng/năm, phân bổ theo giai đoạn 3 năm thì tổng số cũng chỉ là 2,4 tỷ đồng, trong khi kinh phí xây dựng một trụ sở xã theo tiêu chuẩn ít nhất cũng cần 8 tỷ đồng. Vẫn biết là cần lồng ghép các nguồn lực để thực hiện, các nguồn vốn rót xuống không đa dạng, cấp ủy, chính quyền xã đã bàn tính rất nhiều nhưng việc thực hiện vẫn là vấn đề nan giải.

Trả lời câu hỏi: Năm 2017, xã Mường Tùng phấn đấu hoàn thành thêm bao nhiêu tiêu chí nông thôn mới? Ông Lò Văn Nhân trả lời: Xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nhưng cụ thể là những tiêu chí nào thì chúng tôi vẫn… chưa xác định được!

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top