Cần “đánh thức” ý chí thoát nghèo trong người nghèo

09:07 - Thứ Năm, 02/03/2017 Lượt xem: 9237 In bài viết
ĐBP - Đến thời điểm này, mặc dù còn một số huyện chưa tổng hợp, thống kê số liệu hộ nghèo năm 2016 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tuy nhiên, theo đánh giá ước lượng của cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm khoảng 3% (từ 48,16% xuống 45%). Công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong giai đoạn 2016 - 2020 (tiếp cận, đo lường và giảm nghèo đa chiều) là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư từ nhiều cấp, ngành, sự nỗ lực của người dân; trong đó, nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo đóng vai trò then chốt.

Lâu nay, cụm từ “trông chờ, ỷ lại” được nhắc đến khá nhiều, dường như là một “cái nhìn chung” khi nói về người nghèo ở các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Điều này không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Bởi ngoài những yếu tố khách quan như: điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, điều kiện canh tác, sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… còn quá khó khăn; quan niệm, phong tục tập quán của mỗi dân tộc cũng khác nhau, điều này tác động đến ý thức của người dân. Phải khẳng định có những khu vực, người dân muốn vươn lên, không ngại bỏ công sức để được thoát nghèo nhưng sự bế tắc về sinh kế, hoàn cảnh gia đình… buộc họ phải dựa vào chính sách như một chiếc phao cứu sinh.

 

Vợ chồng ông Vàng Chờ Chía, bản Há Là Chủ A chăm sóc gia súc.

Chúng tôi có mặt tại Hừa Ngài - một xã vùng cao, khó khăn của huyện Mường Chà. Ngay tại sảnh của trụ sở UBND xã là danh sách niêm yết các hộ vay vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách và Xã hội năm 2017. Trong danh sách, bản Phua Di Tổng có số hộ vay vốn thấp nhất cũng đạt tổng dư nợ trên 1,7 tỷ đồng, chủ yếu người vay thuộc hộ nghèo (cả bản có 56 hộ nghèo thì 53 hộ được vay vốn, trung bình mỗi hộ được vay khoảng 30 triệu đồng). Ông Lý A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã Hừa Ngài cho biết: Vốn vay Ngân hàng Chính sách và Xã hội là nguồn lực rất tốt để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là các hộ nghèo. Mặc dù vậy, số hộ được ưu tiên vay là hộ nghèo, cũng đồng nghĩa với việc hộ không nghèo thì không dễ vay. Điều này vô hình trung tạo tâm lý... muốn nghèo để được hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, đó chỉ là đánh giá từ một góc độ, bởi nguồn vốn vay đó người dân sử dụng ra sao, có đạt hiệu quả không? Có vươn lên thoát nghèo không? Còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Thực tế trên địa bàn không ít trường hợp bà con vay vốn để mua sắm tài sản, thiết bị chưa cần thiết (xe máy, điện thoại di động); nhiều trường hợp thì lúng túng, nhận được vốn mà không biết đầu tư vào mô hình nào cho hiệu quả. Đó chính là sự bế tắc về sinh kế, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn cần nghiên cứu, có định hướng chính xác, hiệu quả cho người dân.       

Xã Hừa Ngài hiện còn 76,72% hộ nghèo, giảm 4,88% so với năm 2015. Cụ thể: năm 2016, toàn xã có 66 hộ thoát nghèo, trong đó, bản có số hộ thoát nghèo nhiều nhất là Há Là Chủ A với 27 hộ. Trên đường cùng chúng tôi đến tìm hiểu về quá trình vươn lên của những hộ vừa thoát nghèo trong năm qua ở bản Há Là Chủ A, anh Lý A Tranh, công chức văn hóa - xã hội xã Hừa Ngài chia sẻ: Cùng với các chính sách an sinh xã hội đã được Nhà nước đầu tư (thuộc hạng mục tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều) thì những hộ thoát nghèo trong năm qua thực sự là những tấm gương để hộ nghèo khác noi theo. Đến nhà ông Vàng Chờ Chía - hộ vừa thoát nghèo trong năm qua, nhưng căn nhà còn thiếu khá nhiều vật dụng như: Ti vi, công trình vệ sinh đạt chuẩn... ông Chía nói như thanh minh: Đúng là nhà tôi còn một số đồ đạc chưa sắm được nhưng như nhà báo thấy, thóc rất nhiều; ngoài ra, 2 con lợn nái và đàn lợn giống hơn 20 con, 2 con trâu sinh sản cùng hơn 2ha nương là những thành quả lớn mà vợ chồng chúng tôi gây dựng được trong nhiều năm qua. Gia đình tôi đã nghèo nhiều năm (như thông tin của anh Tranh, cán bộ xã thì trước đây gia đình ông Chía thuộc diện nghèo nhất bản) nên dù có phần “chiếu cố” để được vào diện thoát nghèo nhưng đây là nỗ lực của gia đình. Hơn nữa, bản thân là đảng viên (ông Chía là đảng viên gần 20 năm tuổi Đảng, Bí thư Chi bộ bản Há Là Chủ A) mà không làm gương được cho bà con, cứ nghèo mãi thì tôi thấy không xứng đáng. Còn làm gì để thoát nghèo thì theo tôi trước hết phải có ý thức muốn vươn lên, muốn thoát nghèo tiếp theo mới là học hỏi những cách làm hay rồi nỗ lực thực hiện.

Trái với gia đình ông Vàng Chờ Chía mới vươn lên thoát nghèo, hộ anh Thào A Giống, cách nhà ông Chía không xa hiện còn rất nghèo. Bên căn nhà tranh mái lá cửa đang khép hờ, anh Giống ngập ngừng nói với tôi: Anh thông cảm đứng tạm ngoài này nói chuyện nhé, chứ trong nhà cũng chẳng có gì ngồi. Rồi anh chia sẻ: Vợ chồng em lấy nhau đã được 4 năm và đã có một cháu trai gần 4 tuổi. Được bố mẹ chia cho mảnh đất nhỏ làm tạm căn nhà, bản thân cũng không được học hành nhiều nên hiện đang làm bảo vệ cho UBND xã với lương mức 500.000 đồng/tháng, vợ em thì ở nhà, ra vào với mấy con lợn, gà, nương cũng đang làm chung với bố mẹ nên khó khăn lắm. Khi được chúng tôi hỏi: Gia đình có muốn thoát nghèo không? Giống trả lời ngay: Có chứ ạ, thoát nghèo thì ai chẳng muốn nhưng thoát bằng cách nào mới là vấn đề. Rồi Thào A Giống chỉ ra khoảng đất trống mọc đầy cây dại trước nhà bảo: Em đang dự định mượn chỗ đất này, cải tạo để trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình, không biết có thuận lợi không? Mình còn trẻ, còn sức khỏe mà để vợ con khổ thì mọi người chê cười.

Vẫn biết nhận thức về xóa đói giảm nghèo của người dân trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều hạn chế nhưng không thể đổ lỗi cho dân mà cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng cần có sự nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu để đưa ra những chính sách sinh kế, định hướng phát triển khả thi, phù hợp, đồng thời tích cực tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tích cực để thổi một luồng sinh khí mới đến với người nghèo. Ví như sự nỗ lực của gia đình ông Vàng Chờ Chía hay quyết tâm của anh Thào A Giống là những minh chứng người dân không muốn nghèo!

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top