Tủa Chùa khó thực hiện tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới

08:52 - Thứ Tư, 22/03/2017 Lượt xem: 4932 In bài viết
ĐBP - Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tủa Chùa đã nỗ lực thực hiện tiêu chí 17 về môi trường nhằm đảm bảo môi trường sinh thái ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên đến nay việc thực hiện tiêu chí này trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.

Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Năm 2016, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện được giao 15,234 tỷ đồng; trong đó hơn 9 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ và trên 6 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Số kinh phí này huyện tập trung chi, thanh toán nợ đọng 11 công trình giao thông, thủy lợi và công trình nước sạch nông thôn từ các năm trước. Đồng thời, phê duyệt đầu tư mới, bố trí vốn cho 1 công trình thủy lợi. Kết quả thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hết năm 2016 huyện có xã Mường Báng đạt 8/19 tiêu chí; các xã: Mường Đun, Trung Thu, Tả Sìn Thàng cơ bản hoàn thành 6/19 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 3 - 4 tiêu chí. Riêng tiêu chí 17 về môi trường (gồm 5 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định) thì đến nay huyện chưa có xã nào đạt.

 

Nhiều công trình thủy lợi sau khi được đầu tư xây dựng đã góp phần không nhỏ vào xây dựng tiêu chí NTM. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện nghiệm thu công trình Thủy lợi Pàng Nhang, xã Xá Nhè.

Một trong những tình trạng phổ biến ở xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện như: Xá Nhè, Mường Đun, Sín Chải, Huổi Só… là hệ thống thoát nước thải tại khu vực nông thôn chưa được chú ý. Do vậy, hầu hết nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp đều thải trực tiếp ra môi trường ngay tại nơi sinh hoạt, sản xuất. Việc quy hoạch và xây dựng chợ trung tâm xã như: Xá Nhè, Tả Sìn Thàng chưa gắn với việc xử lý rác thải. Rác thải xả bừa bãi cả trong khu vực chợ lẫn ven đường xung quanh. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn nhiều hạn chế. Tập quán sản xuất, nếp sinh hoạt cũ đã ăn sâu bám rễ trong tâm lý, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là vấn đề nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, cạnh nhà ở; không có nhà tiêu hoặc có nhưng không hợp vệ sinh; bao bì thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng xong vứt không đúng nơi quy định… Ngoài ra, chỉ tiêu “không có các hoạt động suy giảm môi trường và có hoạt động phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp” trong tiêu chí số 17 khó thực hiện do thời gian qua trên địa bàn vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương, khai thác gỗ trái phép...

Tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới tuy không tốn nhiều vốn đầu tư bằng các tiêu chí “cứng” như: giao thông, thủy lợi... song không dễ thực hiện đối với địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, cùng với huy động nguồn lực xây dựng các công trình: nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh... huyện Tủa Chùa phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu; hướng dẫn bà con xây dựng nếp sống văn hóa. Khi nhận thức thay đổi thì hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường mới hiệu quả.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top