Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

08:45 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 6640 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua, ngoài tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững: chủ động phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Năm 2016, tổng đàn gia súc toàn tỉnh ước đạt 550.600 con (tăng 4,5% so với năm 2015, đạt 97,1% kế hoạch năm). Trong đó: đàn trâu: 128.226 con (tăng 2,45%); bò: 52.844 con (tăng 5,56%); lợn: 369.529 con (tăng 5,08%; tổng đàn gia cầm: 3.569.140 con (tăng 7,35%). Theo thống kê về số lượng trang trại chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 12 trang trại lợn; 11 trang trại gia cầm; 6 trang trại nuôi trâu, bò, dê. Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, Phòng Chăn nuôi - Thủy sản đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các cấp, tư vấn cho nhân dân tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi hiệu quả, lựa chọn con giống tốt, chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh; từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại theo hướng bền vững, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

Trang trại gia đình anh Nguyễn Ngọc Ngung, bản Mường Toong 3, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé nuôi trên 100 con lợn thịt /lứa thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Mặc dù tổng đàn gia súc của tỉnh những năm gần đây phát triển tương đối ổn định, hàng năm số lượng đều tăng, song việc phát triển chăn nuôi gia súc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Một phần do người dân chưa ý thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển chăn nuôi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, do thiếu vốn đầu tư, thị trường chưa ổn định nên nhiều hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư chăn nuôi số lượng lớn. Chính vì vậy, hiện nay người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, chăn dắt. Riêng đối với chăn nuôi lợn và gia cầm có quy mô lớn chủ yếu tập trung ở khu vực lòng chảo huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và trung tâm các huyện, thị.

Mục tiêu đến năm 2020, tổng đàn trâu bò của tỉnh đạt trên 670.000 con, trong đó 141.545 con trâu, 65.240 con bò; 469.429 con lợn; tổng đàn gia cầm đạt 5.543.979 con. Để hoàn thành mục tiêu đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương tích cực vận động người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ chăn thả sang nuôi nhốt tập trung. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao kiến thức chăn nuôi cho nông dân; tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh… Từng bước hướng tới phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá trị hàng hóa cao.

Bài, ảnh: Dương Phương
Bình luận
Back To Top