Tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân

14:46 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 5800 In bài viết
ĐBP - Gần 10 ngày qua, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến thất thường, nền nhiệt độ thường xuyên thay đổi, sáng sớm có sương mù rải rác, nắng mưa thất thường, thuận lợi cho một số sâu bệnh hại phát sinh và lây lan trên lúa đông xuân.

Trên cánh đồng xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) nhiều người dân đã phải phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sinh vật gây hại. Chị Lò Thị Hoa, đội 14, xã Noong Hẹt cho biết: Vụ đông xuân 2016 - 2017, gia đình gieo cấy 4.000m2 lúa, chủ yếu là giống lúa IR 64 và Bắc thơm. Hiện nay, diện tích lúa của gia đình chị đang trong giai đoạn làm đòng. Theo chị, cây lúa trong giai đoạn này có nguy cơ mắc các bệnh rầy, đạo ôn và khô vằn là rất cao. Nếu không thăm đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện bệnh hại để có biện pháp phòng trừ, sâu bệnh hại rất dễ phát sinh và lây lan trên diện rộng. Để hạn chế tác hại của sâu bệnh, ảnh hưởng xấu đến năng suất lúa đông xuân, gia đình luôn chủ động theo dõi tình hình phát triển của sâu bệnh hại và nhờ cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ phù hợp, để hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất lúa trên cùng một diện tích canh tác.

 

Người dân xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Tìm hiểu về tình hình phát triển của sinh vật gây hại và các biện pháp phòng trừ, chúng tôi gặp chị Đào Thị Khuyên, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh). Chị Khuyên, cho biết: Vụ đông xuân 2016 - 2017, toàn tỉnh gieo cấy trên 9.000ha lúa. Đến nay có hơn 3.800ha trà lúa cực sớm, trà sớm trong giai đoạn làm đòng; gần 3.600ha lúa trà chính vụ trong giai đoạn phân hoá đòng - làm đòng; còn trà muộn có hơn 1.600ha đang đẻ nhánh rộ. Theo dự kiến, lúa trà cực sớm - trà sớm sẽ bắt đầu trổ vào khoảng 10 - 15/4. Trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển này, cây lúa rất dễ bị mắc sâu bệnh do người dân gieo cấy ở mật độ dày, bón phân không cân đối và do diễn biến thời tiết thất thường khiến tình hình sinh vật gây hại đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Đến thời điểm này đã có hơn 1.980ha nhiễm sâu bệnh hại, tăng hơn 35ha so với kỳ trước, tăng trên 15ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó, diện tích lúa đông xuân nhiễm sâu bệnh hại nặng chiếm trên 300ha, còn diện tích cần phòng trừ là gần 940ha. Các bệnh đạo ôn, khô vằn gây cháy cục bộ tại địa bàn huyện Điện Biên, Mường Chà, thị xã Mường Lay, TP. Điện Biên Phủ... Từ nay đến cuối vụ, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, tập đoàn rầy... sẽ tiếp tục tích lũy, có nguy cơ gia tăng cao ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng là rất lớn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật gây hại, bảo vệ an toàn sản xuất lúa đông xuân, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con cần bón phân cân đối, nhất là các diện tích trong thời điểm cần bón đón đòng cần tăng cường bón phân kali, tránh bón thừa đạm, duy trì đủ ẩm, không để ruộng khô hạn để cây lúa sinh trưởng khỏe, tăng sức chống chịu. Đặc biệt, nông dân trên địa bàn các huyện Điện Biên, Mường Chà, thị xã Mường Lay, TP. Điện Biên Phủ... cần chú ý các bệnh đạo ôn, khô vằn và tập đoàn rầy vẫn tiếp tục gây hại trên các trà lúa, diễn biến gây hại tăng trên trà muộn; khả năng cháy cục bộ trên những chân ruộng chưa chú ý phòng trừ hoặc phòng trừ chưa hiệu quả, bón thừa đạm, khô hạn, vùng tiền dịch, giống nhiễm. Còn bệnh đạo ôn cổ lá tiếp tục lây lan gây hại trên trà cực sớm - trà chính vụ, nguy cơ gây hại cổ bông trên các diện tích lúa trổ bông. Đối với những diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân nên sử dụng luân phiên một trong các loại thuốc có hoạt chất: Propiconazole + Tricyclazole, Azoxystrobin + difenoconazole,... (Filia 525 SE, Difusan 40 EC, Bump 650 WP,...). Còn đối với bệnh khô vằn, cần kiểm tra, phát hiện bệnh sớm và phun trừ bằng một trong các loại thuốc có hoạt chất Hexaconazole + Carbendazim; Propiconazole + Difenoconazole,... (Vida 5 WP, Damycine 3 SL,Vanicide 3 SL...). Khi bệnh bạc lá mới xuất hiện, bà con ưu tiên áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều tiết nước hợp lý, sử dụng tro bếp, vôi bột rắc vào sáng sớm để hạn chế bệnh lây lan. Với rầy ở tuổi nhỏ nên sử dụng các loại thuốc phù hợp với giai đoạn sinh trưởng cây lúa theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông; giai đoạn trước chín sữa ưu tiên sử dụng thuốc lưu dẫn có hoạt chất Imidacloprid, Pymetrozine... và giai đoạn sau chín sữa sử dụng thuốc có hoạt chất tiếp xúc Dinotefuran, Thiamethoxam...

Từ nay đến cuối vụ, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư các huyện, thị, thành phố thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi tình hình phát triển của sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ phù hợp, hạn chế sinh vật gây hại lây lan trên diện rộng, làm giảm năng suất, chất lượng lúa vụ đông xuân 2016 – 2017.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top