TX. Mường Lay

Bước chuyển trong xóa đói giảm nghèo

09:28 - Thứ Tư, 12/04/2017 Lượt xem: 6309 In bài viết
ĐBP - Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn TX. Mường Lay được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ các dịch vụ cơ bản… Hơn 90% hộ nghèo được hỗ trợ về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm kinh tế, hỗ trợ các điều kiện sản xuất trong thời gian qua là điều kiện thuận lợi để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện công tác tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã còn lại không nhiều. Chính vì vậy, chuyển đổi, đa dạng hóa các ngành nghề và áp dụng kỹ thuật trong sản xuất là giải pháp được thị xã chú trọng thực hiện nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án, thị xã đã thực hiện hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho lao động nghèo, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hoạt động chuyển giao kỹ thuật hướng dẫn người dân cách tổ chức sản xuất và kinh doanh... Cùng với việc cải tạo, tận dụng diện tích đất canh tác, thị xã thực hiện hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, triển khai các mô hình trồng trọt, đẩy mạnh khuyến nông, khuyến ngư. Từ năm 2011 đến nay, thị xã đã thực hiện hơn 20 mô hình trồng trọt và chăn nuôi thu hút hàng nghìn hộ tham gia. Qua đó giúp bà con nắm được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đưa các giống cây trồng có giá trị vào sản xuất và nhiều mô hình bước đầu đem lại hiệu quả. Tại xã Lay Nưa, mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, sản xuất lúa thuần IR64 trên đất bán ngập bằng phương pháp cấy; trồng khoai tây vụ đông, trồng nấm vụ đông… tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Sơn La; nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng tại phường Sông Đà, phường Na Lay đã và đang là hướng đi mới cho nông dân thị xã. Ông Lò Văn Nạp ở tổ dân phố 5, phường Sông Đà - 1 trong 6 hộ tham gia mô hình thí điểm nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng trên hồ Thủy điện Sơn La cho biết: Trước đây nghề đánh bắt thủy sản trên sông thu nhập bấp bênh; khi Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trung tâm Thủy sản triển khai mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thủy điện Sơn La gia đình tôi đăng ký tham gia và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, với quy mô 2 lồng, mỗi lồng 24m3, mật độ thả khoảng 100 con/m3, sau khoảng 6 tháng nuôi, trừ chi phí thu về hơn chục triệu đồng. Khi mô hình kết thúc, gia đình tôi và một số hộ trong phường vẫn tiếp tục duy trì nuôi cá lồng và kinh doanh dụng cụ ngư nghiệp nên thu nhập khá ổn định.

 

Gia đình ông Lù Văn Túng, tổ dân phố 5, phường Sông Đà thu hoạch cá rô phi thương phẩm. Ảnh: Minh Thùy

Việc hỗ trợ trực tiếp sản xuất cho người dân, nhất là người nghèo đã giúp bà con cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã còn 7,07% (giảm 2,87% so với năm 2015 - theo chuẩn nghèo đa chiều). Ông Nghiêm Văn Cầm, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay cho biết: Chủ trương của thị xã là tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất nông, khuyến ngư hàng hóa, phát triển ngành nghề dịch vụ; nhân rộng các mô hình khuyến nông, ngư nghiệp; xây dựng các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung; mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm theo hướng sản xuất hàng hóa… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân người lao động trên địa bàn đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng; từ nay đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 0,5%/năm; đào tạo nghề cho 300 lao động (80% trở lên có việc làm sau đào tạo); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 48%; tạo việc làm mới cho 900 lao động/năm… Để thực hiện được mục tiêu đó, thị xã tích cực lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng hỗ trợ trực tiếp người nghèo về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, kiến thức và kỹ năng lập kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tổ chức sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập. Ưu tiên hộ nghèo có lao động, có đất sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm; phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top