Hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn nuôi vịt thịt

09:37 - Thứ Tư, 12/04/2017 Lượt xem: 7292 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên”, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình “Chăn nuôi vịt thịt” cho 21 hộ dân tộc Cống tại 2 bản Huổi Moi, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) và bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) nhằm giúp người dân tiếp cận, nắm bắt và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, từng bước làm thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống. Tham gia mô hình bà con được hỗ trợ 100% về con giống, thức ăn, thuốc thú y và được tập huấn các kỹ thuật như: chọn giống, làm chuồng trại, thức ăn, chăm sóc, vệ sinh và điều trị 1 số bệnh thường gặp trên đàn vịt.

Ông Lý Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: Bản Nậm Kè có 55/69 hộ là người dân tộc Cống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 66,6%; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. 100% số hộ sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thả rông, không bổ sung thức ăn dinh dưỡng, thiếu quản lý... do đó thời gian nuôi dài, tỷ lệ sống thấp, dịch bệnh xảy ra thường xuyên. Khi triển khai mô hình nuôi vịt, bà con rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia. Sau 2 tháng, đàn vịt phát triển tốt: tỷ lệ sống bình quân đạt trên 95 %, trọng lượng trung bình đạt 2,4 - 2,7kg/ con, thức ăn tiêu tốn là  3,2 kg/kg tăng trọng.

 

Người dân bản Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên chăm sóc đàn vịt.

Gia đình anh Hồ Văn Đào, bản Nậm Kè ngoài số lượng con giống (15 con) do dự án hỗ trợ, còn mạnh dạn đầu tư thêm 30 con vịt giống. Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi do cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên đàn vịt phát triển tốt. Anh Đào chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi cùng với bà con trong bản chủ yếu nuôi thả tự do, chưa biết cách chăm sóc nên đàn vật nuôi phát triển chậm, dễ mắc dịch bệnh. Khi tham gia mô hình, chúng tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, làm máng ăn, uống; kỹ thuật chọn giống và cách chăm sóc qua các giai đoạn sinh trưởng, phát triển; phát hiện sớm dấu hiệu của dịch bệnh để điều trị kịp thời... Sau 2,5 tháng nuôi, vịt đã đạt trọng lượng 2,5kg/con, bán được giá 75.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì mô hình “Chăn nuôi vịt thịt” đã giúp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi vịt cho bà con dân tộc Cống, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra còn hạn chế, bà con chăn nuôi chủ yếu là để phục vụ nhu cầu gia đình, chưa phát triển theo hướng hàng hóa. Thời gian tới Trung tâm tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện mô hình để đánh giá kết quả của mô hình toàn diện hơn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top