Chọn giống lúa, yếu tố quyết định năng suất

10:10 - Thứ Tư, 12/04/2017 Lượt xem: 6908 In bài viết
ĐBP - Giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 là hai loại giống phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Điện Biên nói riêng. Không chỉ cho năng suất cao, hạt gạo có chất lượng, mà giống lúa IR64 và Bắc thơm số 7 còn có khả năng quang hợp và kháng bệnh tốt. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi sang sản xuất giống lúa Séng Cù và một số giống lúa thơm khác, điều này ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng của cả mùa vụ.

Theo khuyến cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện Điện Biên, hiện nay có khoảng 800 - 1.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, tập trung chủ yếu ở giống lúa Séng Cù và một số giống lúa thơm.

 

Chị Vũ Thị Dậu, đội 18, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên phun thuốc trừ sâu cho lúa.

Để đảm bảo diện tích lúa phát triển tốt và hạn chế mức thiệt hại do sâu bệnh, Phòng NN & PTNT huyện Điện Biên phối với UBND xã, hợp tác xã nông nghiệp các xã, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư ra đồng đôn đốc, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc lúa, kịp thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Chỉ tay về phía cánh đồng lúa xanh mướt, chị Vũ Thị Dậu, đội 18, xã Thanh Xương nói: “Gia đình tôi có 1.400m2 ruộng gieo cấy hoàn toàn bằng giống lúa Séng Cù, nhưng hiện tại bị sâu bệnh nhiều lắm! Toàn bộ lúa tôi đều bị bệnh đạo ôn lá; đây là đợt phun thuốc trừ sâu thứ hai trong vụ này rồi, mà chưa biết kết quả ra sao? Những năm 2015 trở về trước, nhà tôi không cấy giống lúa này, mà chỉ cấy giống IR64 thôi. Năm nay (vụ đông xuân 2016 – 2017) thấy gạo Séng Cù ăn ngon, bán được giá nên chuyển hết sang cấy giống Séng Cù”.

Gia đình bà Đào Thị Thìn, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cũng gieo cấy 1.200m2 bằng giống Séng Cù. Hiện tại, lúa đang trong giai đoạn đứng cái nhưng đều bị nhiễm bệnh đạo ôn lá; gia đình đã phun thuốc trừ sâu hai đợt, mỗi đợt hết 150.000 đồng tiền thuốc, chưa kể chi phí thuê người phun và cũng chưa biết từ giờ đến cuối vụ sẽ phải phun thuốc bao nhiêu lần nữa.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, cho biết: Trong cơ cấu giống, Phòng NN&PTNT huyện không đưa giống lúa Séng Cù vào sản xuất. Do bản thân giống lúa này khả năng kháng bệnh kém, là loại có bộ lá xòe, khả năng quang hợp rất kém; huyện chỉ đưa những giống lúa chủ lực, như: IR64 và Bắc thơm số 7 vì đây là loại giống lúa có chỉ dẫn địa lý và có khả năng thích nghi rộng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, đối với giống Séng Cù, nếu sử dụng giống lúa nguyên chủng, có cấp xác nhận, kết hợp với chăm sóc đúng kỹ thuật thì vẫn cho năng suất tốt.

Là giống có đặc tính thơm, hạt cơm dẻo, ăn ngon nhưng giống lúa Séng cù rất kén đất và khả năng kháng bệnh kém. Tuy nhiên, giá lúa bán với mức cao hơn so với các giống khác, vì thế nhiều hộ vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Ông Phạm Văn Kiên cho biết thêm: “Ngoài hướng dẫn bà con chọn giống lúa phù hợp với thổ nhưỡng, chúng tôi còn yêu cầu gieo cấy đúng thời vụ; để trỗ bông đúng dịp nắng ấm, thời tiết thuận lợi. Nhưng do nhiều hộ dân sản xuất còn mang tính tự phát, làm theo kinh nghiệm là chủ yếu, như: gieo dày, bón phân đạm không đúng thời điểm, đã ảnh hưởng đến thời gian trỗ bông và năng xuất lúa.

Vụ đông xuân năm nay, toàn huyện Điện Biên gieo cấy 4.834,2ha, trong đó khoảng 80% diện tích là giống lúa Bắc thơm số 7 và IR64, số sòn lại là giống Séng Cù, nếp và một số giống lúa khác. Diện tích gieo cấy giống Séng Cù trên điạ bàn huyện Điện Biên tuy chưa lớn, nhưng nếu người dân tiếp tục tự mua giống trôi nổi hoặc tự nhân giống thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng  lương.

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top