Từng bước chuyển sản xuất từ “trên nương” xuống “dưới ruộng”

09:49 - Thứ Năm, 13/04/2017 Lượt xem: 7586 In bài viết
ĐBP - Với người dân ở vùng cao, nhất là dân tộc Mông thì mức độ siêng năng, cần cù “có thừa”. Dù siêng năng, cần cù nhưng cũng phải thừa nhận rằng đời sống đại đa số bà con còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí thiếu ăn là chuyện xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân, do trình độ dân trí của một bộ người dân còn hạn chế, dẫn đến phương thức canh tác không hiệu quả, chủ yếu là tự cung tự cấp, được mùa, mất mùa phụ thuộc vào thiên nhiên. Để giúp bà con xóa đói giảm nghèo, hạn chế việc di cự tự do, dẫn đến phá rừng làm nương, những năm gần đây Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu biểu nhất là các chính sách: hỗ trợ kinh phí khai hoang ruộng nước theo Nghị quyết 30a; đầu tư các công trình thủy lợi để người dân chuyển đổi từ trồng lúa nương sang lúa nước...

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa gần 500 công trình thủy lợi, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên 866 công trình. Hầu hết các công trình thủy lợi, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả đầu tư của nguồn vốn, đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước tưới, phục vụ sản suất, tăng diện tích tưới từ hơn 23.000ha (năm 2011) lên hơn 28.000ha (năm 2016), trong đó, diện tích tăng chủ yếu ở các huyện vùng cao. Nhờ được đầu tư các công trình thủy lợi nên nhiều diện tích đất nương, đất bỏ hoang được phục hóa thành ruộng nước; chuyển diện tích ruộng sản xuất 1 vụ thành 2 vụ, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương, từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con trong vùng hưởng lợi. Nhờ thay đổi tư duy sản xuất, nhiều đồng bào vùng cao đã thoát khỏi đói nghèo, ổn canh, ổn cư, xây dựng bản làng trù phú.

 

Những năm gần đây người dân vùng cao đang có xu hướng chuyển từ canh tác lúa nương sang lúa nước. Trong ảnh: Người dân xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa chăm sóc lúa.

Một trong những huyện thay đổi rõ nét là Điện Biên Đông. Nếu như những năm trước đây, vào thời gian này khi đi qua các xã Noong U, Mường Luân, Luân Giói... của huyện Điện Biên Đông, chúng ta dễ dàng gặp cảnh đốt nương trồng lúa thì nay hình ảnh người dân be bờ giữ nước đã ngày một nhiều hơn. Năm 2016, huyện Điện Biên Đông khai hoang được hơn 210ha, nâng tổng diện tích lúa nước toàn huyện lên gần 2.400ha. Có được kết quả như vậy là nhờ chính sách hỗ trợ kinh phí cho bà con khai hoang ruộng nước của Nhà nước. Hiện nay, 1ha khai hoang mới, bà con được hỗ trợ 15 triệu đồng, 1ha phục hóa được hỗ trợ 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả của các cấp chính quyền huyện, bà con đã nhận thấy rõ lợi ích từ trồng lúa nước, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư nên từ đó thay đổi tư duy, nhận thức. Đi đầu trong phong trào khai hoang ruộng nước ở Điện Biên Đông phải kể đến ông Vừ A Phanh, xã Luân Giói. Khi huyện có chủ trương động viên người dân tự khai hoang ruộng bậc thang để sản xuất lúa nước bền vững, ông Phanh đã đeo dao, vác cuốc mở đường đi tìm nguồn nước để dẫn nước về. Sau đó san, bạt quả đồi gần nhà làm ruộng bậc thang. Hiện nay gia đình ông đã có gần 5.000m2 lúa nước. Hàng năm gia đình ông Phanh vẫn tiếp tục khai hoang mở rộng diện tích, đồng thời giúp nhiều hộ dân trong bản khai hoang ruộng. Ông Phanh chia sẻ: “Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng ngô, lúa nương không năng suất, năm nào cũng thiếu đói. Giờ chuyển đổi sang canh tác lúa nước hiệu quả hơn, mà lại không vất vả như trồng lúa nương”.

Dẫu cảnh làm ruộng vẫn “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nhưng việc lên nương của bà con đã thay đổi. Ít nhiều việc chọc lỗ, tra hạt đã và đang dần lùi xa, thay vào đó là lối canh tác, sản xuất mang tính chuyên nghiệp, quy mô và hiệu quả hơn.

Thời gian qua, công tác quản lý canh tác đất nương để sản xuất lương thực trên địa bàn tỉnh ta đã từng bước chuyển biến tích cực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn tới công tác quy hoạch vùng, hướng dẫn nhân dân sản xuất trên nương. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả, từng bước hạn chế tình trạng phá rừng làm nương, cháy rừng do đốt nương gây ra. Qua thống kê, nhiều vụ cháy rừng có nguyên nhân do bà con đốt nương để cháy lan vào rừng. Ngoài tình trạng cháy rừng do bà con đốt nương thì đáng lo ngại hơn là hiện tượng người dân cố tình đốt rừng làm nương. Trung bình 1ha nương sản xuất được 1vụ/năm, với năng suất khoảng 1 tấn/ha; năng suất trồng lúa trên nương chỉ bằng 1/5 lúa nước. Một hécta canh tác theo kiểu này chỉ duy trì được 2 năm là đất bạc màu và người dân lại chuyển sang cánh rừng khác làm nương.

Để tăng cường công tác quản lý canh tác trên đất nương, tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương, cháy rừng do làm nương gây ra, các cấp, các ngành chức năng tập trung rà soát, thống kê diện tích đất đã quy hoạch sản xuất nương cố định phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Một vấn đề có tính chất quyết định là tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là chủ tịch UBND các xã, vai trò của trưởng bản trong việc chỉ đạo sản xuất trên nương, nghiêm cấm canh tác nương xâm hại vào rừng tự nhiên hoặc lợi dụng diện tích rừng tự nhiên nghèo để làm nương, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top