Kỳ vọng dự án phát triển thanh long

09:01 - Thứ Hai, 17/04/2017 Lượt xem: 6085 In bài viết
ĐBP - Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã góp phần tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ của người dân.

Từ năm 2010 - 2011, trên địa bàn huyện Điện Biên, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư trồng thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao hơn hẳn so với các giống cây trồng khác. Cây thanh long không kén đất, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật chỉ sau hơn 1 năm thì thanh long bắt đầu cho thu hoạch. Cứ 500 gốc, sẽ thu được hơn 4 tấn quả, với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi trên 60 triệu đồng. Thanh long được giá và thị trường ổn định, do đó người dân ở các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống đã không ngừng mở rộng diện tích trồng thanh long lên hàng nghìn mét vuông mỗi hộ.

 

Người dân xã Noong Luống chăm sóc vườn thanh long.

Từ thực tế đó, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, tháng 6/2016, Sở Khoa học Công nghệ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm (Hà Nội) triển khai “Dự án đánh giá khả năng phát triển sản xuất thanh long vùng lòng chảo Điện Biên” tại 2 xã: Thanh Xương và Noong Luống (huyện Điện Biên). Có 10 hộ nông dân tham gia mô hình, diện tích 2,5ha với  4 giống thanh long được trồng là: Thanh long ruột trắng Bình Thuận và các giống thanh long ruột đỏ LD1, TL4 và V5. Đây là những giống thanh long cho năng suất cao, được ưa chuộng trên thị trường trong nước. Thanh long ruột trắng Bình Thuận, thanh long ruột đỏ LD1, TL4 và V5 có lợi thế là ra vụ quanh năm, mà không cần chiếu đèn. Quá trình sinh trưởng, phát triển cành cũng mạnh hơn thanh long ruột trắng khác. Trọng lượng quả trung bình 380 - 400g, vị ngọt chua nhẹ, hàm lượng acid, vitamin C cao. Cây cho quả sau 1 năm trồng, năng suất đạt 6-8 kg/trụ/năm; cây 2 năm tuổi, năng suất đạt 22-25kg/trụ/năm (tương đương 22 - 25 tấn/ha/năm) và cây từ 3 năm tuổi trở đi đạt trung bình 40kg/trụ/năm (40 tấn/ha/năm). 

Gia đình ông Nguyễn Văn Đông, đội 1, xã Noong Luống là một trong những hộ tham gia mô hình. Ông Đông chia sẻ: Trước khi tham gia mô hình, gia đình tôi đã trồng trên 3.000m2 thanh long ruột trắng. Có thể khẳng định thanh long đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi đã mở rộng thêm diện tích, đến nay có hơn 300 trụ, năng suất 3,5 tấn/1.000m2, doanh thu khoảng gần 80 triệu đồng/năm. Trồng thanh long cần chú ý bón phân chuồng và bảo đảm đủ ánh sáng. Cây thanh long cho thu hoạch chính vụ từ tháng 3 - tháng 9 âm lịch nhưng có thể áp dụng kỹ thuật xử lý hoa, chiếu đèn điện để cho trái quanh năm và bán giá cao vào thời điểm trái vụ.

Theo ông Nguyễn Bá Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ): Đến thời điểm này, trồng thanh long ruột đỏ không lo về đầu ra vì sản lượng chưa đủ nhu cầu người tiêu dùng tại địa phương. Giống thanh long ruột đỏ nói chung là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh. Mật độ trồng 1.600 trụ/ha. Từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu là 15 tháng. Trồng thanh long ruột đỏ tuy chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nhưng cho khai thác nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc. “Dự án Đánh giá khả năng phát triển sản xuất thanh long vùng lòng chảo Điện Biên” được triển khai mở ra hướng đi mới trong sản xuất cây ăn trái, giúp người dân thay thế một số cây trồng hiệu quả kinh tế kém.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top