Hiệu quả bước đầu phương pháp gieo sạ lúa hiệu ứng hàng biên

09:05 - Thứ Hai, 17/04/2017 Lượt xem: 7865 In bài viết
ĐBP - Nhằm giúp bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao hơn, vụ mùa 2016, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên thử nghiệm phương pháp “Gieo sạ lúa cải tiến hàng rộng, hàng hẹp” (hiệu ứng hàng biên) trên diện tích ruộng của 4 hộ, tại 3 xã: Thanh Xương, Noong Hẹt, Pom Lót. Phương pháp gieo lúa này là gieo 1 hàng sông hẹp, 1 hàng sông rộng; mật độ khoảng cách tùy thuộc vào từng loại giống. Khi bón phân sẽ bón theo hàng sông hẹp để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh lãng phí như trước đây bón rải khắp ruộng. Qua 1 vụ sản xuất, nhận thấy công nghệ gieo sạ này mang lại hiệu quả cao hơn so với cấy lúa truyền thống bằng tay nên vụ đông xuân 2016 - 2017, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư tiếp tục thử nghiệm với 5 hộ của 4 xã: Thanh Xương, Thanh Luông, Noong Hẹt, Pom Lót.

Những năm trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Dung, đội C9A, xã Thanh Xương, thường gieo và cấy lúa bằng tay theo phương pháp truyền thống trên diện tích ruộng gần 3.000m2; lượng thóc giống khoảng 8 - 9kg/1.000m2. Trung bình mỗi vụ chị Dung thuê 2 - 3 nhân công để gieo cấy, tỉa dặm với tiền công 150.000 đồng/ngày. Sau vụ đầu tiên thử nghiệm mang lại hiệu quả, vụ đông xuân năm nay chị Dung tiếp tục áp dụng phương pháp hiệu ứng hàng biên. Chị Dung cho biết: Gieo cấy lúa theo phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội như: Mật độ lúa thoáng (chỉ từ 16 - 18 khóm/m2, giảm 50 - 70% lượng giống); tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp (giảm từ 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật); giảm 50% công gieo cấy; không phải bón lót mà chỉ bón thúc 2 lần. Nếu theo phương pháp truyền thống thì phải phun thuốc chống rầy 2 - 3 lần, đối với phương pháp này chỉ cần phun 1 lần là đủ.

 

Chị Hoàng Thị Dung, đội C9A, xã Thanh Xương chăm sóc lúa gieo theo phương pháp hiệu ứng hàng biên.

Bà Đặng Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên, cho biết: Công nghệ gieo cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên là bước đi mới, hiệu quả. Phương pháp này mới triển khai thử nghiệm trong phạm vi hẹp, máy gieo sạ là do cán bộ của trạm chế tạo với giá cả hợp lý, tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện của bà con. Sau khi trang phẳng ruộng, tháo cạn nước, đưa giàn kéo tay vào đầu bờ, mở nắp hộp cho 2/3 giống vào. Kéo giàn gieo sao cho bánh xe lần kéo sau trùng với vết xe lần kéo trước; thao tác đơn giản, giảm nhiều công lao động, bình quân mỗi sào ruộng chỉ từ 10 - 15 phút là gieo xong. Đặc biệt, nhờ tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gieo cấy theo phương pháp này còn có tác dụng bảo vệ môi trường, sức khỏe người nông dân và tăng cao độ sạch của sản phẩm. Áp dụng phương pháp này đã tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp toàn bộ các phần gốc, thân, lá kích thích phát triển nên cây lúa khỏe, không phát sinh bệnh dịch hại, năng suất đạt 60 - 68 tạ/ha. Để nhân rộng mô hình, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần phối hợp, tạo điều kiện khảo nghiệm.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top