Sản phẩm thủ công truyền thống khó đầu ra

09:08 - Thứ Hai, 17/04/2017 Lượt xem: 6585 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đã và đang được duy trì, phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, song chủ yếu có quy mô nhỏ, lẻ, manh mún. Bởi vậy, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống vẫn là bài toán khó.

Hiện nay, đã hình thành một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác nghề thủ công truyền thống như: Tổ hợp tác mây tre đan (bản Nà Tấu 2, xã Nà Tấu), HTX Dệt thổ cẩm dân tộc Thái (bản Mển, xã Thanh Nưa) và HTX Dệt thổ cẩm Lào (bản Na Sang 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; tổ thêu (thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa)… Tổ hợp tác mây tre đan xã Nà Tấu đã tạo việc làm cho người dân trên địa bàn xã, song mới chỉ duy trì ở quy mô nhỏ, lẻ, thu nhập của người lao động từ 600.000 - 800.000 đồng/người/tháng. Đến nay, nghề này chưa thể phát triển mở rộng do chưa thích ứng được với thị trường do thiếu nguồn nguyên liệu và mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu.

 

HTX Dệt thổ cẩm dân tộc Thái, bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên vẫn chủ yếu phát triển theo mô hình nhỏ, lẻ, chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Tương tự, tổ thêu thôn Tà Là Cáo và HTX thổ cẩm Lào tại bản Na Sang 2 hiện nay cũng chủ yếu sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, hầu như không có chiến lược về thị trường nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các địa phương khác. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường tràn ngập sản phẩm dệt máy từ Trung Quốc, Đài Loan. Những sản phẩm dệt thủ công của địa phương phải đối mặt với sự cạnh tranh về mẫu mã và giá cả rất gay gắt với sản phẩm dệt máy này. Nguyên liệu sẵn có, lao động có tay nghề song nghề thêu, dệt thổ cẩm của địa phương khó có điều kiện phát triển, để có được việc làm thường xuyên cho người lao động, các chủ cơ sở vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm khách hàng. Chính quyền địa phương cũng chỉ có thể tạo điều kiện về cơ sở pháp lý, mặt bằng sản xuất... thực sự chưa tìm hướng đi thích hợp cho nghề.

Ông Phạm Minh Hào, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương, cho biết: Nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh, ngành đã nỗ lực quảng bá, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao tay nghề thông qua các lớp tập huấn, tham quan những mô hình điển hình hiệu quả… Song vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn là bài toán khó. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay các sản phẩm thủ công truyền thống tại các HTX, tổ hợp tác vẫn còn sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Hoạt động của những cơ sở này cũng chưa thực sự phát triển, lao động tham gia chưa nhiều, chủ yếu là tranh thủ lúc nông nhàn. Do vậy, công việc không thường xuyên, liên tục, người dân chưa thực sự mặn mà và sống bằng nghề. Ngoài ra, các cơ sở này còn phân tán, rải rác ở mỗi huyện khác nhau nên việc di chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác mất nhiều thời gian, khó thu hút khách tham quan du lịch. Đa số các sản phẩm truyền thống trên địa bàn đều làm thủ công, mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng của từng dân tộc song giá thành lại rất cao so với sản phẩm sản xuất bằng máy công nghiệp. Ngoài những hạn chế đó, mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, thiếu tính độc đáo, công tác tiếp thị, giới thiệu, quảng bá sản phẩm còn hạn chế và chưa có đầu ra ổn định là những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở sản xuất thì cần có sự đầu tư hỗ trợ, đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn, quảng bá của các cấp, ngành. Nhất là việc lựa chọn những làng nghề phù hợp để quy hoạch không gian làng nghề, đào tạo nguồn nhân lực.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top