Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới các xã biên giới

09:03 - Thứ Tư, 19/04/2017 Lượt xem: 6236 In bài viết
ĐBP - Ngày 9/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 1573/QĐ-TTg về xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Đề án được xây dựng trên địa bàn 29 xã biên giới với tổng diện tích tự nhiên là hơn 338.000ha, thuộc 4 huyện: Điện Biên (12 xã), huyện Mường Chà (3 xã), huyện Nậm Pồ (8 xã) và huyện Mường Nhé (6 xã), với mục tiêu thực hiện xây dựng NTM gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững; đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu; nâng cao cuộc sống của nhân dân; hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh; xây dựng và bảo vệ biên giới, đoàn kết, hữu nghị; giữ vững an ninh, quốc phòng, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện đề án, tỉnh ta phấn đấu đến năm 2020, có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã đạt 16 tiêu chí; 5 xã đạt 13 tiêu chí; 5 xã đạt 12 tiêu chí; 7 xã đạt 11 tiêu chí; 2 xã đạt 10 tiêu chí; bình quân đạt 13,83 tiêu chí/xã. Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh xác định phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, giao đất sản xuất nông nghiệp trên nương, giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp để nhân dân ổn định sản xuất; khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới nhằm đáp ứng nhu cầu phòng hộ đầu nguồn, cung cấp nước cho các thủy điện lớn; khuyến khích doanh nghiệp phát triển mạnh các vùng trồng cây công nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi.

 

Từ nguồn vốn xây dựng NTM, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) được đầu tư giao thông hạ tầng.

Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế trên địa bàn các xã biên giới tỉnh ta còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Việc xây dựng NTM ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nói một cách ví von giống như một người vác trên vai tảng đá nặng leo núi. Khó khăn, vướng mắc đến từ mọi phía, trong đó, các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, chợ nông thôn là những thách thức khó vượt qua.

Xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội còn hạn chế đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM theo Đề án. Ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè, cho hay: Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, xã phải phát huy tối đa nội lực trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Đặc biệt là các tiêu chí cần nhiều vốn như thủy lợi, điện, trường học, nhà văn hóa, chợ, giảm nghèo... Vì vậy, dù triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM cùng thời gian với nhiều địa phương khác, nhưng đến hết năm 2016, Nậm Kè mới đạt được 4/19 tiêu chí NTM gồm: Quy hoạch, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội và môi trường. 15 tiêu chí còn lại rất khó thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo của Nậm Kè hiện nay là 83,6%, song mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 phải giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Có lẽ đây là nhiệm vụ bất khả thi. Tương tự là tiêu chí thu nhập; bình quân đầu người của Nậm Kè hiện mới đạt 3 triệu đồng/năm, quá thấp so với mức thu nhập bình quân cả tỉnh là hơn 23 triệu đồng/người/năm. Trong khi đó, theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, để được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập, Nậm Kè phải phấn đấu đạt được thu nhập bình quân gấp 1,4 lần thu nhập bình quân của cả tỉnh. Qua tìm hiểu, việc thực hiện tiêu chí thu nhập ở Nậm Kè rất khó khăn bởi cơ cấu kinh tế của địa phương còn yếu, sản xuất nông - lâm nghiệp chưa phát triển, chưa có vùng sản xuất chuyên canh. Nông sản của bà con chủ yếu để tiêu dùng tại chỗ, chưa trở thành hàng hóa. Việc thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khi nguồn lực rất hạn chế. Năm 2016, tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới của Nậm Kè chỉ gần 300 triệu đồng.

Để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM đối với xã biên giới là một nhiệm vụ nặng nề, khó khăn cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và ủng hộ của người dân. Trong đó, không chỉ là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mà các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí theo đặc thù, điều kiện thực tế vùng cao, biên giới.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top