Quỹ Quốc gia về việc làm

“Đòn bẩy” thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

09:47 - Thứ Năm, 20/04/2017 Lượt xem: 5538 In bài viết
ĐBP - Cùng với tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo… thì việc triển khai cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia việc làm đơn giản về thủ tục, công khai, minh bạch trong thời gian qua đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển; trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Theo Nghị định 61 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/9/2015, mức vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh) tối đa là 1 tỷ đồng/dự án nhưng vay trên 50 triệu đồng phải có tài sản bảo đảm và không quá 50 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm… Ông Đàm Xuân Triệu, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Để được tiếp cận nguồn vốn trên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc sử dụng 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số. Thời gian vay vốn khá linh động với cả 2 mức vay ngắn hạn và trung hạn (không quá 60 tháng) là điều kiện khá thuận lợi để các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động quay vòng, sử dụng hiệu quả đồng vốn. Tuy nhiên, thời hạn vay vốn đối với từng dự án cụ thể là do ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận, căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn. Lãi suất vay vốn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động hiện được áp dụng là 0,55%/tháng, bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo; còn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất 0,55%/tháng. Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn từ 5 - 10 ngày (tùy vào từng dự án các cấp, tổ chức thực hiện chương trình quản lý), kể từ ngày nhận được hồ sơ trình duyệt, UBND cấp huyện, thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh của tổ chức thực hiện dự án xem xét, phê duyệt. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do để ngân hàng chính sách xã hội địa phương - nơi thực hiện dự án thông báo cho người vay. Với việc quy định khá rõ ràng, cụ thể đối tượng vay vốn cũng như điều kiện để được vay vốn nên thời gian qua việc tiếp cận vốn vay của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm khá thuận lợi, nhanh chóng.

 

Rau xanh - mặt hàng chủ lực của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green.

Công ty TNHH thực phẩm Safe Green do chị Hoàng Thị Hiên, đội 5, xã Thanh An (huyện Điện Biên) làm Giám đốc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản sạch được Chi cục Kiểm định chất lượng nông - lâm - thủy sản xác nhận sản phẩm an toàn. Cuối năm 2016, Công ty được vay 198 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm qua “kênh” của hội phụ nữ với thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng; thời hạn vay vốn là 36 tháng. Nhớ lại thời điểm làm thủ tục xin vay vốn, chị Hoàng Thị Hiên, cho biết: Được cán bộ Tổ Tiết kiệm - Vay vốn hướng dẫn lập hồ sơ, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo được UBND xã Thanh An xác nhận, mình gửi Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Điện Biên thẩm định. Sau khi cán bộ tín dụng về tận trang trại thẩm định hồ sơ, phương án sản xuất kinh doanh; tài sản thế chấp và yêu cầu hoàn thiện các thủ tục vay vốn, chưa đầy 1 tuần, mình được giải ngân 198 triệu đồng, lãi suất vay 0,55%/tháng. Với số tiền được vay cùng với nguồn vốn tích góp, mình mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết sản xuất nông sản sạch và bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Đến nay, ngoài 1.400m2 nông trại trồng các loại rau, củ, quả sạch các loại, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green của chị Hiên còn liên kết sản xuất rau an toàn với Hợp tác xã rau Thanh Đông (xã Thanh Xương); liên kết với người dân xã Núa Ngam trồng chuối tiêu; liên kết trồng ớt thương phẩm với Tổ hợp tác bản Co Sản (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng). Ngoài ký hợp đồng lao động với 2 nhân viên bán hàng tại quầy hàng, Công ty của chị Hiên còn tạo việc làm cho 6 lao động, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn với mức lương trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng và được Công ty đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định. Thời gian cao điểm, Công ty còn tạo việc làm cho 3 - 4 lao động thời vụ, với mức lương 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày. Trung tuần tháng 4/2017, đại diện lãnh đạo UBND TX. Mường Lay mời doanh nghiệp lên tham quan mô hình làm bánh khẩu xén và một số sản phẩm nông sản đặc sản trên địa bàn để tìm hướng hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Đây cũng là hướng đi mà Công ty xác định tập trung trong thời gian tới, để thêm nhiều sản phẩm có tên trong chuỗi nông sản an toàn được bao tiêu, bà con yên tâm sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hiên cho biết thêm, đến nay Công ty đã đầu tư vào trang trại nông sản và các mô hình liên kết sản xuất với người dân gần 2 tỷ đồng. Trong khi sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp vừa vất vả, chi phí đầu tư lớn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Chính vì vậy, việc tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm không chỉ giúp cơ sở mở rộng quy mô mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động thông qua hình thức liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động. Chị Hiên mong muốn thời gian tới, Quỹ được bổ sung vốn để ngày càng nhiều người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh được tiếp cận vốn vay để duy trì và phát triển, tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top