Cần tranh thủ nguồn lực đầu tư phát triển chè ở Tả Phìn

15:19 - Thứ Sáu, 28/04/2017 Lượt xem: 7181 In bài viết
ĐBP - Tả Phìn là 1 trong 4 xã vùng dự án phát triển chè của huyện Tủa Chùa; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay diện tích, sản lượng và thu nhập từ chè của người dân trong xã chưa được như mong muốn. Người dân chưa mặn mà với cây chè và chưa xác định chè là một trong những cây trồng để xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Sùng A Náng, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, tuy là xã thuộc vùng dự án phát triển chè của huyện Tủa Chùa, nhưng hiện nay địa phương chỉ có 18ha chè cây thấp được trồng từ năm 2009 và 207 cây chè cổ thụ. Diện tích chè cây thấp chủ yếu tập trung tại 2 bản (Tả Phìn 1 và 2); chè cây cao chủ yếu của gia đình ông Tráng A Chu, bản Nà Sa. Những năm qua, các gia đình tham gia trồng chè được UBND huyện hỗ trợ giống, phân bón, gạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và chế biến chè. Nhưng năm 2016, xã Tả Phìn thu hoạch bán cho doanh nghiệp chỉ được 165kg chè cây thấp, 206kg chè cây cao; tổng thu nhập từ chè của toàn xã là 5,441 triệu đồng. Với giá thu mua thấp như hiện nay (chè búp tươi loại cây thấp giá 13 nghìn đồng/kg, chè cây cao 16 nghìn đồng/kg); trong khi người dân phải bỏ công làm cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh, công thu hái và đem sang xưởng chế biến chè của xã bạn bán thì trừ chi phí lãi không nhiều. Đây là lý do khiến người dân chưa chú trọng phát triển chè.

 

Người dân bản Nà Sa, xã Tả Phìn thu hái chè cây cao.

Chè cây cao có lợi thế hơn bởi chỉ làm cỏ, bảo vệ, không phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, giá cao hơn, nhưng số lượng cây không nhiều. Mặc dù chè ở đây được coi là đặc sản nhưng người dân xã Tả Phìn nói riêng và các xã vùng dự án nói chung không có thói quen uống chè. Số gia đình uống chè tươi hoặc chè đã chế biến rất ít, họ chỉ dùng khi tiếp khách. Đó cũng là một lý do sản phẩm chè của họ tiêu thụ được ít.

Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên, khí hậu trong lành, phù hợp với loại cây chè, huyện tổ chức tuyên truyền vận động người dân tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước phát triển chè theo hướng hàng hóa để xóa đói giảm nghèo. Theo đó, Nhà nước cử cán bộ tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón trong 3 năm đầu, hỗ trợ 700kg gạo/ha chè trong 5 năm, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên thu mua sản phẩm; huyện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà, phương tiện chế biến chè sau thu hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư và tiêu thụ sản phẩm... Nhưng hiện nay diện tích, sản lượng chè của Tả Phìn còn khiêm tốn.

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc, thu hái, chế biến cho nông dân; chủ động năng động tìm thị trường tiêu thụ đang là hướng để chè Tả Phìn phát triển và có chỗ đứng trên thị trường góp phần thực hiện dự án thắng lợi và cải thiện thu nhập người dân. Tranh thủ các nguồn lực, khai thác thế mạnh để phát triển chè theo hướng bền vững sẽ góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top