Hiệu quả bước đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mường Ảng

09:06 - Thứ Tư, 03/05/2017 Lượt xem: 6175 In bài viết
ĐBP - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nông dân Mường Ảng đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả, những chân ruộng không chủ động được nước tưới sang trồng các loại rau, hoa màu (ngô, mía...). Bước đầu, việc chuyển đổi mang lại hiệu quả giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Mường Ảng hiện có 170ha đất sản xuất có thể trồng rau màu, tập trung chủ yếu tại các xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Búng Lao. Phần lớn diện tích trồng rau là ở chân ruộng ven suối, bởi những chân ruộng này có thể đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho cả 3 vụ rau. Ẳng Cang là một trong những xã có diện tích trồng rau màu lớn nhất trên địa bàn huyện với hơn 35ha, trong đó 20ha là diện tích trồng rau phục vụ kinh doanh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những chân ruộng thấp sang phát triển rau màu, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức quy hoạch vùng trồng rau tại một số bản, đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân. Qua các lớp tập huấn, bà con nắm được các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, sản xuất rau an toàn, phòng trừ sâu bệnh. Việc đẩy mạnh diện tích trồng rau màu đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

 

Chị Quàng Thị Anh chăm sóc vườn ươm cây giống.

Là 1 trong những hộ có diện tích trồng rau nhiều nhất xã, chị Quàng Thị Anh, bản Giảng, xã Ẳng Cang, cho biết: Hiện gia đình tôi có trên 5.000m2 trồng rau các loại và 200m2 vườn ươm cây giống. Gia đình tôi trồng rau từ năm 1996, tuy nhiên chỉ là sản xuất manh mún, truyền thống chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và hiệu quả chưa cao. Năm 2014, sau khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật sản xuất rau an toàn, tôi đã cải tạo vườn để ươm cây giống, đảm bảo cho hạt giống phát triển, ít chi phí mà hiệu quả cao hơn. Đến nay, gia đình tôi sản xuất mùa nào rau ấy, đủ loại quanh năm như: bắp cải, cà pháo, cà chua, súp lơ, các loại rau thơm... Mỗi vụ rau, gia đình chị Anh thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.

Bản Quyết Tiến II, xã Búng Lao là một trong những bản chuyên canh sản xuất rau lớn trên địa bàn huyện. Bản có 82 hộ thì 90% số hộ sản xuất rau màu kinh doanh. Ông Ngô Viết Hanh, Trưởng bản Quyết Tiến II, cho biết: Cả bản hiện có gần 5ha trồng rau, hoa màu. Vài năm trở lại đây một số hộ chuyển đổi một phần diện tích chân ruộng, hoặc diện tích canh tác hoa màu thiếu nước sang trồng mía. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân trong bản mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trung bình mỗi loại rau có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, mỗi gia đình trồng từ 5.000 - 7.000m2 rau củ quả các loại, cho thu nhập bình quân từ 30 - 40 triệu đồng/năm, đối với những hộ trồng mía, có hộ đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Rau màu của bản ngoài việc phục vụ nhu cầu của nhân dân trong xã, huyện còn được xuất đi các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Hà Nội...

Hiệu quả kinh tế rõ rệt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Mường Ảng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con nông dân trên địa bàn tiếp tục duy trì và phát triển việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ quả cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top