Mường Chà chủ động phòng trừ sâu bệnh trên lúa

09:18 - Thứ Tư, 03/05/2017 Lượt xem: 4395 In bài viết
ĐBP - Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Mường Chà gieo cấy khoảng 310ha, cơ cấu giống chủ yếu gồm lúa lai Nhị ưu 838, lúa lai Nghi hương 2308, IR 64, Hương thơm số 1 và Bắc thơm số 7… Thời điểm này, các trà lúa đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, là điều kiện phát sinh sâu bệnh gây hại lúa.

Để phòng trừ các đối tượng bệnh hại cho lúa đông xuân, các cơ quan chuyên môn huyện Mường Chà tăng cường đôn đốc bà con nông dân kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến sâu bệnh phát sinh gây hại, tập trung phun trừ theo phương pháp “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên thăm đồng, kiểm tra và hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời, tăng cường chuyển giao kỹ thuật và quản lý thị trường thuốc bảo vệ thực vật giúp bà con nông dân chủ động sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Qua thăm đồng, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà đã phát hiện, rầy lưng trắng lứa 4 xuất hiện từ ngày 28/3 - 6/4 gối với lứa 3, trung bình 30 con/m2, nơi cao 90 con/m2. Bệnh đạo ôn có chiều hướng gây hại tăng về tỷ lệ hại và diện tích nhiễm. Tỷ lệ hại trên lá trung bình 1 - 2%, nơi cao 9% lá, hại cục bộ ruộng 70% lá, phân bố ở các xã Na Sang, Mường Mươn, Thị trấn, Pa Ham, Mường Tùng. Ngoài ra một số ruộng lúa còn xuất hiện bệnh đen lép hạt, thối thân thối bẹ, sâu cắn gié, bạc lá, bọ xít hôi dài, chuột hại...

Anh Trần Quốc Luyện, Phó trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà cho biết: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết nên xuất hiện một số đối tượng sinh vật gây hại như tập đoàn rầy (chủ yếu là rầy lưng trắng), bệnh đạo ôn, bệnh đốm nâu, bệnh khô vằn. Trong đó đặc biệt cần chú ý là đối tượng bệnh đạo ôn. Giai đoạn trước đó bệnh đạo ôn đã gây hại trên lá, hiện tại bệnh đã dần chuyển sang gây hại vào bộ phận tai lá lúa. Đối với những ruộng lúa chưa xuất hiện bệnh đạo ôn bà con nông dân cần dọn sạch cỏ và những cây dại trên bờ ruộng, duy trì độ ẩm trên đồng ruộng để cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng bệnh. Khi phát hiện bệnh vừa mới xuất hiện phải tạm ngừng ngay các hoạt động bón phân đạm, phân chuồng hoặc phân bón qua lá, các loại thuốc kích thích sinh trưởng. Sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra trên đồng ruộng bệnh đã có dấu hiệu ngừng hẳn thì thực hiện các biện pháp chăm bón phân bình thường. Phun thuốc trừ bệnh ngay bằng thuốc hóa học, các loại thuốc có thành phần hoạt chất Tricyclazole, Edifenphos, Isoprothiolane... như: Bump 650WP, One-over 40EC, Difusan 40EC.

Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ xuống thăm đồng, phát hiện, nắm chắc diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng để dự báo, thông báo sớm và chính xác tình hình sâu bệnh. Bên cạnh đó chủ động tuyên truyền tới người dân, để tránh mua phải thuốc bảo vệ thực vật giả, bà con nông dân nên tìm đến các cơ sở có uy tín và mua thuốc phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Cùng với đó  tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phun thuốc vào buổi sáng hoặc chiều mát và dùng bình bơm để tăng hiệu quả của thuốc.

Công Tuyến (Đài TT - TH Mường Chà)
Bình luận
Back To Top