Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc

09:19 - Thứ Tư, 03/05/2017 Lượt xem: 5795 In bài viết
ĐBP - Khi mới được thành lập (năm 2002), Mường Nhé được biết đến là một trong những huyện vùng sâu, xa, khó khăn nhất tỉnh. Sau 15 năm phát triển, nền kinh tế của huyện đạt được một số kết quả quan trọng: Cơ cấu kinh tế phát triển theo định hướng. Những tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp như: sản xuất lúa nước, lúa nương; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm hàng năm đều có mức tăng trưởng khá (4 - 6%/năm). Trong đó, phát triển chăn nuôi gia súc luôn được huyện quan tâm, chú trọng nên đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngay từ khi mới thành lập, huyện Mường Nhé được các chuyên gia kinh tế đánh giá là địa bàn có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Bên cạnh điều kiện lý tưởng của tiểu vùng khí hậu ôn hòa; tỷ lệ che phủ rừng lớn; địa hình có nhiều vùng đồi thấp, đất đai phì nhiêu, các loại cỏ cây xanh tốt quanh năm, thì các điều kiện chủ quan như: người dân cần cù, chịu khó; có kinh nghiệm chăn thả gia súc… mở ra triển vọng tươi sáng trong phát triển gia súc theo hướng hàng hóa nơi đây. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển chăn nuôi gia súc, các cơ quan chức năng cùng người dân trên địa bàn vẫn loay hoay chưa khai thác được thế mạnh về chăn nuôi để lĩnh vực này trở thành động lực nền kinh tế địa phương như xác định. Những năm đầu thành lập huyện, tình hình phát triển chăn nuôi gia súc, hàng năm trên địa bàn thường không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng đàn gia súc hàng năm thấp (2 - 2,5%/năm), thậm chí có năm chỉ số tăng trưởng âm, nguyên nhân chủ yếu là do trâu, bò, lợn chết rét, hoặc chết do dịch bệnh. Ông Giàng A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Những năm trước khi thành lập huyện, trên địa bàn rất ít khi xảy ra dịch bệnh trên gia súc; gia súc chết rét cũng rất hãn hữu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh, cơ sở hạ tầng được đầu tư rất lớn; dân di cư tự do chưa được kiểm soát; nạn phá rừng dẫn đến hủy hoại môi trường đã và đang tạo ra những cơ hội, cũng như thách thức trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Khí hậu cực đoan có nguyên nhân từ nạn phá rừng; mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm không được kiểm soát. Đặc biệt, vận chuyển, mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm nhiễm dịch bệnh là nguyên nhân bùng phát dịch, dẫn đến suy giảm số lượng, chất lượng tổng đàn gia súc địa phương.

Từ thực tế trên, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm ra những nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác phát triển chăn nuôi gia súc tại địa phương. Từ đó, đề ra và tổ chức tốt các giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan chức năng tập trung cải thiện chất lượng con giống. Từ các chương trình hỗ trợ trâu, bò giống cho người nghèo thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia: Nghị quyết 30a/CP; 135/CP; xây dựng nông thôn mới; các chương trình hỗ trợ gia súc của các tổ chức, nhà hảo tâm, mỗi năm các hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ hàng trăm gia súc. Việc hỗ trợ gia súc từ địa phương khác đến, trong đó có giống bò lai sind góp phần quan trọng cải thiện giống đại gia súc tại địa phương. Bên cạnh đó, mỗi năm các cơ quan chức năng mở 20 - 30 lớp tập huấn kỹ thuật hướng dẫn nông dân kỹ thuật làm chuồng trại nuôi gia súc, từ bỏ tục chăn thả dông; kỹ thuật chống rét, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi lợn siêu nạc, bò sinh sản... cho hàng nghìn lượt nông dân tham gia. Từ năm 2013 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tư vấn, hỗ trợ nông dân triển khai trên 23 mô hình, dự án chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại. Những năm gần đây, UBND huyện Mường Nhé còn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Hàng năm 100% trâu, bò trên địa bàn được tiêm vắc xin tụ huyết trùng, vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, vắc xin nhiệt thán trâu; tiêm hàng chục ngàn liều vắc xin tai lợn xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn; đồng thời luôn sẵn sàng phát hiện nhanh, khoanh vùng dập dịch, bệnh hiệu quả khi có tình huống xảy ra. 

Từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn huyện bình quân đạt từ 5 - 6%/năm. Tính đến cuối tháng 4/2017, tổng đàn gia súc huyện Mường Nhé đạt 32.289 con, trong đó đàn trâu: 8.197 con; đàn bò: 4.252 con; lợn: 14.858 con; dê: 4.880 con; ngựa: 102 con.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top