Triển vọng nuôi cá hồi ở Tênh Phông

09:26 - Thứ Tư, 03/05/2017 Lượt xem: 8355 In bài viết
ĐBP - Tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó: tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh các mô hình liên kết với doanh nghiệp là những định hướng đúng đắn, phù hợp. Ở tỉnh ta, mô hình nuôi cá hồi, cá tầm ở xã vùng cao Tênh Phông, huyện Tuần Giáo là một bước đi mang nhiều hy vọng.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình tìm hiểu điều kiện để triển khai nuôi cá hồi, cá tầm (đặc biệt là cá hồi - loài thủy sản cần nhiều điều kiện để sinh trưởng) và đầu tư, ông Tô Quang Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh, Tuần Giáo cho biết: Là người đã sinh sống, làm việc trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã nhiều năm, công việc cũng đòi hỏi phải đi lại nhiều (Công ty của ông Sơn vốn là một doanh nghiệp xây dựng các công trình giao thông) nên tôi khá thông thạo điều kiện tự nhiên, đặc thù sinh thái của các địa bàn trong huyện. Lên Tênh Phông nhiều lần, nhận thấy khí hậu nơi đây  mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, rừng được bảo vệ tốt, nhất là tại bản Ten Hon có một thác nước rất đẹp, nước trong. Tôi bắt đầu hình thành ý tưởng nuôi thủy sản nước lạnh giá trị cao, cụ thể là cá hồi. Sau một thời gian tìm hiểu về các điều kiện nuôi cá hồi, cá tầm tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai - nơi có khí hậu gần tương đồng với tiểu vùng khí hậu ở Tênh Phông, Công ty quyết định xin phép các sở, ngành, đơn vị liên quan, đồng thời thuê cán bộ chuyên môn khảo sát kỹ lưỡng địa chất, địa mạo, nguồn nước ở khu vực thác Ten Hon; đầu tư bước đầu 2,5 tỷ đồng cải tạo khu vực chân thác, xây dựng bể nuôi; mua, thả nuôi 6.500 con cá hồi và 5.000 con cá tầm giống. Đến thời điểm này, sau hơn 8 tháng chăm sóc, những mẻ cá hồi, cá tầm thương phẩm đầu tiên đã cho thu hoạch. Cá hồi thương phẩm nuôi tại Tênh Phông được Công ty bán với giá 300.000 đồng/kg; cá tầm 200.000 đồng/kg. Từ khi có cá hồi thương phẩm, Công ty mở Nhà hàng Cá hồi Tênh Phông tại thị trấn Tuần Giáo nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng. Theo đánh giá của một số khách, do nguồn cung tại chỗ, các món được chế biến từ cá hồi tươi nên chất lượng không thua kém so với thưởng thức cá hồi tại khu thác Bạc, huyện Sa Pa. Lãnh đạo tỉnh cũng rất quan tâm khi vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã đến thăm mô hình; cơ quan chức năng đã cấp giấy Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm cá hồi, cá tầm của công ty. 

 

Cá hồi thương phẩm nuôi tại xã Tênh Phông được đánh giá có chất lượng khá cao. Ảnh: Đức Duy

Mặc dù những mẻ cá hồi, cá tầm nuôi ở Tênh Phông đầu tiên đã được đưa ra thị trường nhưng theo đánh giá của ông Tô Quang Sơn: Do những đặc tính, yêu cầu về điều kiện khắt khe để sinh trưởng, phát triển nên dù đã có những thành công bước đầu nhưng việc chăm nuôi cá hồi, cá tầm của Công ty còn thiếu kỹ thuật nên tỷ lệ cá sống không cao (khoảng trên 60%) ảnh hưởng đến doanh thu. Vấn đề đầu ra cho sản phẩm  chưa hoàn thiện, cá hồi Tênh Phông vẫn còn là lộ trình dài để xây dựng, quảng bá, khẳng định thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; vấn đề môi trường, nguồn nước cũng cần sự quan tâm của ngành chuyên môn.

Ông Nguyễn Thế Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sau khi Công ty Sơn Hạnh phát hiện ra địa điểm có khả năng đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông, doanh nghiệp đã báo cáo và kêu gọi sự giúp đỡ từ Sở. Với chức năng nghiên cứu và phát triển thủy sản, Trung tâm đã cử cán bộ đến khảo sát, đánh giá các điều kiện. Với độ cao 2.000m so với mực nước biển, nhiệt độ nguồn nước trong năm dao động từ 10 - 200C, các yếu tố về độ sạch của nước, dòng chảy… thác Ten Hon, xã Tênh Phông cơ bản đáp ứng được yêu cầu để nuôi cá hồi (cá tầm đòi hỏi ít điều kiện hơn). Đến thời điểm này, mặc dù cá sinh trưởng được trong môi trường nuôi nhưng những yếu tố về kỹ thuật, công nghệ, phòng, chống dịch bệnh Công ty cần tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm. Vừa qua, doanh nghiệp đã thuê cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu Thủy nước lạnh Sa Pa (Viện Nghiên cứu Thủy sản I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện các bước kỹ thuật để đảm bảo duy trì mô hình nhưng cũng chỉ là trước mắt. Còn về lâu dài, môi trường là rất quan trọng, đặc biệt là đảm bảo sinh thái, giữ rừng, bởi nếu rừng trong khu vực bị phá ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước - yếu tố sống còn trong nuôi thủy sản nước lạnh như cá hồi; ngoài ra, việc xử lý nước thải trong nuôi cá cũng rất quan trọng trong cả quá trình nuôi cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường cho địa phương. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần phát huy lợi thế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, hiện Trung tâm Thủy sản đang hoàn thiện Dự án đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ nuôi cá hồi vân trong bể xây tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo” (cơ quan chủ trì là Trung tâm Thủy sản, đơn vị chuyển giao công nghệ là Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sa Pa).

Phát triển chăn nuôi giá trị cao, mô hình liên kết với doanh nghiệp phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh, cùng với giữ môi trường sinh thái (bảo vệ rừng để duy trì nguồn nước sạch nuôi cá hồi) là những bước đi tích cực, đáng để đầu tư, nhân rộng. Dù còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước nhưng với sự quyết tâm, mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, sự phối hợp của ngành chuyên môn, sự quan tâm của tỉnh, hy vọng rằng trong thời gian không xa, thương hiệu cá hồi Tênh Phông sẽ đứng vững trên thị trường trong tỉnh và khu vực.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top