Bất cập từ Chương trình 135/CP, giai đoạn 2013 - 2016:

Kỳ 2: Cớ sao huyện phải làm thay...?

09:22 - Thứ Năm, 04/05/2017 Lượt xem: 7815 In bài viết
ĐBP - Vì lo cấp xã không đủ năng lực làm chủ đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135/CP, giai đoạn 2013 - 2016 nên một số huyện đã “chủ động làm thay”. Cách làm này không những không đúng hướng dẫn, quy định của Chương trình mà đã và đang để lại nhiều hệ luỵ...

Thông tư liên tịch số 05 của Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, ban hành ngày 18/11/2013, hướng dẫn thực hiện Chương trình 135/CP về hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, có quy định cụ thể: UBND xã phải là chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển thuộc Chương trình 135/CP và UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã tổ chức thực hiện dự án. Đây cũng là một trong những nguyên tắc, đồng thời cũng là cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ cho Chương trình 135/CP là phải tăng cường trao quyền cho người dân nhằm tăng cường công tác quản lý và nâng cao năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ cấp xã. Tuy nhiên, thực tế triển khai nhiều địa phương vẫn cố tình làm chưa đúng.

 

Nhóm hộ ông Sùng A Su, thôn Đề Tâu, xã Mường Đun (huyện Tủa Chùa) được hỗ trợ máy xay xát nhưng không đúng với nguyện vọng của gia đình.

Tại tỉnh ta, năm 2016 có 98 xã thuộc các huyện được thụ hưởng Chương trình 135/CP nhưng chỉ có 74 xã được huyện giao làm chủ đầu tư; còn 24 xã của huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông không được giao quyền chủ đầu tư, mà huyện lại giao cho Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thực hiện.

Lý giải thực tế này, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết: Các xã không nhận làm chủ đầu tư Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất do năng lực quản lý, kinh nghiệm tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển của các xã còn hạn chế. Do vậy, UBND huyện giao cho Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư làm chủ đầu tư. Để minh chứng cho cái lý do vì sao Tủa Chùa không giao cấp xã làm chủ đầu tư, ông Lê Thanh Bình dẫn giải thêm: Huyện Tủa Chùa có tới 95% đồng bào dân tộc thiểu số cho nên nếu giao xã làm chủ đầu tư thì huyện vẫn phải cử cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ... như vậy cuối cùng mọi việc lại đến tay huyện. Vì năng lực của nhiều cán bộ xã hạn chế nên huyện muốn giao quyền chủ đầu tư cũng rất khó. Trái với điều ông Lê Thanh Bình khẳng định, báo cáo đoàn giám sát Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), tại xã Mường Đun ngày 19/4/2017, ông Nguyễn Cao Cường, Bí thư xã Mường Đun lại khẳng định: “Tại cuộc họp do huyện tổ chức đầu năm 2016 về thực hiện Chương trình 135, xã có đăng ký làm chủ đầu tư hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất nhưng huyện không giao chứ không phải do năng lực của xã yếu. Chúng tôi đề nghị, trong giai đoạn tiếp theo huyện giao quyền làm chủ đầu tư để xã được làm chủ đầu tư, dần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và điều hành của cán bộ cấp xã”.

Khác Tủa Chùa, năm 2014 và 2015, UBND huyện Điện Biên Đông giao cho một số xã làm chủ đầu tư Dự án nhưng đến năm 2016 lại giao quyền làm chủ đầu tư cho Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư của huyện thực hiện. Ông Trần Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, cho rằng: “Năm 2016 huyện giao lại quyền chủ đầu tư cho Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư bởi vì quá trình thực hiện của các xã, thị trấn còn nhiều lúng túng, chưa chủ động từ khâu lập kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó trình độ năng lực, kinh nghiệm quản lý của cán bộ cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; còn hiện tượng ỷ lại vào cơ quan cấp trên; chưa nhận thức rõ trách nhiệm, vai trò chủ đầu tư và thực hiện thiếu chặt chẽ trong khâu lựa chọn đối tượng hỗ trợ, nhu cầu hỗ trợ và hỗ trợ không kịp thời. Vì vậy, năm 2016 huyện đã giao lại cho Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thực hiện”. Từ ý kiến của hai huyện có thể thấy, lý do các huyện không giao quyền chủ đầu tư cho cấp xã là vì huyện lo cho dân, lo cho năng lực của đội ngũ cán bộ cấp xã còn hạn chế...?

 

Từ nguồn vốn Chương trình 135, đường bê tông 2 bản Sá Linh và Chông Ghênh, xã Sá Tổng (huyện Mường Chà) được đầu tư giúp người dân đi lại thuận lợi.

Dù với lý do gì thì cách làm như hiện nay huyện Tủa Chùa và Điện Biên Đông là đang làm chưa đúng quy định. Ngay cả khi thừa nhận năng lực lãnh đạo, quản lý của một số xã còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư, thế nhưng trách nhiệm của UBND cấp huyện là phải giao cho xã làm chủ đầu tư và hướng dẫn UBND xã thực hiện chứ không phải làm thay chức năng của cấp xã. Làm như thế không những không đạt mục tiêu chương trình đề ra mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy. Như xã Mường Đun, trong 4 năm (2013 - 2016) xã được giao 841 triệu đồng để thực hiện đầu tư 5 mô hình chăn nuôi, trồng trọt và hàng trăm máy móc sản xuất nông nghiệp. Do việc xã không được làm chủ đầu tư Chương trình 135/CP dẫn đến việc hỗ trợ cây, con giống cũng như máy móc cho người dân chưa đúng với nguyện vọng, không phát huy được hiệu quả của Chương trình 135/CP. Ví như tại thôn Đề Tâu, xã Mường Đun, năm 2014 cả bản được hỗ trợ 3 máy xát thóc nhưng có đến 2 máy không sử dụng được trong khi cái thôn Đề Tâu cần là... điện. Sở dĩ xảy ra thực trạng này là vì chủ đầu tư không tổ chức lấy ý kiến của bà con mà chỉ thông qua chính quyền xã để thực hiện. Cũng vì xã không làm chủ đầu tư dự án nên chính quyền xã Mường Đun không nắm được kết quả thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn xã nên gần như ngoài cuộc và không quan tâm, không biết và cũng không thể thực hiện quyền giám sát dù mô hình, dự án diễn ra trên địa bàn xã.

Ông Quàng Văn Én, Chủ tịch UBND xã Mường Đun, cho biết: Nhiều mô hình, dự án triển khai trên địa bàn xã nhưng xã không hề hay biết mà do Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư của huyện thực hiện. Dự án nào phát huy hiệu quả và nhân rộng thì xã biết, còn những mô hình, dự án nào không phát huy hiệu quả thậm chí xã còn không biết.

Chương trình 135/CP giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục tăng cường phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư, không những chỉ hợp phần phát triển sản xuất mà cả hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ xã, thì UBND cấp huyện phải giao quyền chủ đầu tư cho cấp xã, đồng thời phải hướng dẫn cán bộ cấp xã thực hiện chứ không thực hiện thay như một số địa phương hiện nay. Và đồng thời, cơ quan chức năng quản lý Nhà nước của tỉnh cần có biện pháp xử lý đối với những huyện cố tình không giao quyền chủ đầu tư cho cấp xã có như vậy mới hy vọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã và thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình 135 đề ra là giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top