Dự án chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt bao giờ thực hiện?

10:26 - Thứ Sáu, 05/05/2017 Lượt xem: 9666 In bài viết
ĐBP - Ngày 3/6/2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 751/QĐ-UBND đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi U Va (gọi tắt là Dự án). Dự án có quy mô 100.000 con bò, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (năm 2016 - 2017) nuôi 30.000 con bò; giai đoạn 2 (2017 - 2018) tiếp tục phát triển thêm 70.000 con, tổng diện tích sử dụng trên 5.000ha, bao gồm khu trại nuôi bò và diện tích trồng cỏ; thời gian đầu tư xây dựng từ tháng 6 - 9/2016. Mục tiêu của dự án sẽ góp phần cung cấp các sản phẩm thịt bò và nguồn bò giống chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; góp phần thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện Tuần Giáo nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.

 

Theo kế hoạch tháng 9/2016, Dự án chăn nuôi bò Tuần Giáo hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng đến nay Dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng.

Theo thuyết minh, Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 1.500 lao động địa phương. Tuy nhiên, đến nay cái được chưa thấy đâu mà cuộc sống của người dân nơi đây đang bị xáo trộn vì không có tư liệu sản xuất. Để có đất phục vụ Dự án, Công ty đã mua lại 75ha đất của 294 hộ dân thuộc 4 bản: Bó, Giáng, Noong Giáng và Noong Liếng (xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo) với lời hứa sau khi đi vào hoạt động sẽ nhận dân bản vào làm công nhân. Đến nay chưa có người dân nào được nhận vào làm, bởi kế hoạch mới chỉ trên giấy, Dự án chưa được đầu tư xây dựng. Ông Quàng Văn Hiếng, bản Noong Giáng, xã Quài Tở cho biết: “Trước kia khi gia đình chưa bán đất cho doanh nghiệp, mỗi năm thu được gần 50 bao ngô để chăn nuôi. Nhưng giờ đất đã bán hết rồi, doanh nghiệp không thực hiện đúng lời hứa sau khi xây dựng hoàn thành (tháng 9/2016) sẽ nhận vào làm việc, nên gia đình không có việc làm, phải đi làm thuê kiếm sống”. Không chỉ gia đình ông Hiếng mà 293 hộ dân khác cũng đang lâm vào tình cảnh như vậy, đang ngóng chờ từng ngày Dự án khởi công; thậm chí nhiều người dân còn cho rằng: Công ty họ mua đất để nhằm mục đích khác chứ không phải chăn nuôi bò. Bà Bạc Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa, cho biết: đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư chưa thực hiện đúng mục tiêu và cam kết của dự án. Nguyên nhân là do vướng mắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, trong tổng diện tích 75ha mà doanh nghiệp mua của người dân thì có 41ha đất trồng cà phê và có những diện tích trước đó người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa, Mường Ảng để trồng cà phê; 34ha còn lại là đất trồng cây hàng năm của người dân và đất đang quy hoạch trồng rừng sản xuất.

Theo ông Vũ Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, hiện nay Dự án này còn tồn tại một số bất cập cần phải làm rõ, đó là: Vị trí xây dựng trang trại bò là vùng thấp, nếu mưa lũ lớn thì nơi đây rất dễ bị ngập. Đối với diện tích đất mà Công ty mua lại của người dân thì đây là vị trí quy hoạch trồng cây công nghiệp của huyện; quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh chưa có điểm tập trung chăn nuôi tại đây... Vấn đề nữa là nguồn thức ăn cho bò. Với quy mô 100.000 con bò thì một năm cần gần 750 nghìn tấn thức ăn (cỏ, ngô) cho bò và theo kế hoạch, diện tích trồng cỏ, ngô phục vụ cho đàn bò là 4.000ha, như vậy sẽ đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò như thế nào. Vì vậy, quan điểm của huyện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, nhưng không đưa dự án này vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tuần Giáo đến năm 2020.

Tiềm năng và lợi thế nông nghiệp tỉnh ta đang rất cần được những doanh nghiệp có năng lực “đánh thức” để cùng địa phương hiện thực hóa mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Nhưng có một điều rằng chắc chắn là đến thời điểm này, khi Dự án Chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt của Công ty Cổ phần Chăn nuôi U Va chưa xây dựng thì những hộ dân bán đất đang phải chịu thiệt thòi bởi không có tư liệu sản xuất.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top