Khó khăn trong việc tái canh cà phê

10:29 - Thứ Sáu, 05/05/2017 Lượt xem: 7475 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Ảng có gần 1.000ha cà phê cần tái canh trong vài năm tới; trong đó nhiều vườn có độ tuổi hơn 20 năm. Diện tích này được trồng tập trung tại các xã Ẳng Nưa, Ẳng Cang và thị trấn Mường Ảng. Tuy nhiên, việc tái canh cây cà phê gặp nhiều khó khăn khi các chủ hộ chưa mạnh dạn thực hiện. Bởi phần lớn những diện tích này nằm ở các hộ độc canh cây cà phê và vườn cà phê là nguồn thu nhập chính của gia đình.

 

Người dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) kiểm tra sâu bệnh trên cây cà phê.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Theo quy trình kỹ thuật, vườn cà phê đưa vào tái canh là những diện tích đã áp dụng biện pháp chăm sóc theo quy trình nhưng cây sinh trưởng kém và năng suất bình quân 3 năm liên tục dưới 5 tấn quả tươi/ha/năm; không thích hợp với biện pháp cưa đốn phục hồi hoặc cải tạo; vườn cà phê trồng tái canh từ 1 đến 3 năm tuổi bị bệnh vàng lá, thối rễ. Đối với những vườn bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng hoặc nấm trong đất gây hại nặng trên 70% diện tích cần chuyển đổi sang cây trồng khác một vài năm rồi mới đưa vào tái canh... Mục tiêu của việc tái canh đó là trong thời gian kiến thiết cơ bản 3 năm (1 năm trồng mới, 2 năm chăm sóc), vườn cà phê có chu kỳ kinh doanh dưới 20 năm cho năng suất bình quân thời kỳ kinh doanh đạt 1,6 - 2,5 tấn cà phê nhân/ha. Như vậy, để thấy rằng nếu các vườn cà phê thuộc diện tái canh nếu được thực hiện kịp thời sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ổn định hơn. Và để thuận lợi cho người dân thực hiện tái canh cây cà phê, huyện Mường Ảng thực hiện hỗ trợ 100% cây giống, phân bón trong năm đầu tiên theo Chương trình 30a của Chính phủ. Tuy nhiên, tâm lý của đa số người trồng cà phê trên địa bàn chưa muốn trồng tái canh mà muốn giữ diện tích hiện đang cho thu hoạch này vì liên quan đến thu nhập trong cả năm. Trong khi để tái canh cây cà phê, người dân phải chặt bỏ cây cà phê già cỗi và không được trồng lại ngay mà phải trồng các cây trồng khác ngắn hạn trong thời gian từ 1 - 2 năm. Cộng với thời gian trong giai đoạn từ khi trồng đến khi cà phê cho thu hoạch cần 2 - 3 năm nữa. Trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm người dân không có thu nhập. Bên cạnh đó, việc tái canh đòi hỏi vốn đầu tư lớn mà người trồng cà phê trên địa bàn huyện phần lớn điều kiện kinh tế khó khăn, không có khả năng tài chính hoặc tài sản không đáp ứng được đủ các điều kiện vay vốn, khó triển khai thực hiện tái canh. Do nhiều năm liên tiếp, cà phê rớt giá khiến người dân càng muốn kéo dài chu kỳ kinh doanh để bù vào những mùa vụ thua thiệt trước.

Một trong số hộ tiên phong trồng cà phê ở xã Ẳng Nưa là gia đình anh Lầu Vả Mua. Từ năm 1988 anh Lầu Vả Mua đã trồng cà phê, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay anh Lầu Vả Mua vẫn chần chừ chưa tái canh. Không chỉ anh Mua mà nhiều hộ ở xã Ẳng Nưa cũng chưa muốn trồng tái canh trong thời điểm này, bởi giá cà phê niên vụ 2016 - 2017 mới bắt đầu “khởi sắc” sau nhiều năm rớt giá, bà con ai nấy đều muốn giữ vườn cây kinh doanh để kéo dài thời gian thu hoạch.

Để việc tái canh cây cà phê hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tích cực xuống cơ sở tuyên truyền đến các hộ dân, lồng ghép thông qua các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng chăm sóc cây cà phê; hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng các loại giống tốt, giống cây ghép năng suất cao, hạt to, kháng bệnh, kháng hạn; đồng thời, khuyến cáo bà con không mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ... ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm về sau.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top