Mường Nhé tập trung chăm sóc lúa chiêm xuân

09:12 - Thứ Hai, 08/05/2017 Lượt xem: 5583 In bài viết
ĐBP - Đến thời điểm đầu tháng 5, hầu hết diện tích lúa chiêm xuân niên vụ 2016 - 2017 huyện Mường Nhé bước vào thời kỳ làm đòng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện cử cán bộ bám sát tình hình sinh trưởng cây lúa, kịp thời hướng dẫn nông dân bón đón đòng và tập trung phòng chống các loại sâu bệnh hại lúa.

Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, diện tích lúa chiêm xuân năm nay toàn huyện đạt 67,7ha, (đạt 75,11 % so với kế hoạch UBND huyện giao; giảm 6,2ha so với vụ chiêm xuân 2015 - 2016). Diện tích lúa chiêm xuân giảm mạnh là do một số vùng trong huyện thời tiết khô hanh kéo dài, dẫn tới không đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy. Bên cạnh đó, một số thủy lợi lớn như: Thủy lợi Sen Thượng, xã Sen Thượng; Thủy lợi Huổi Thanh 2, xã Nậm Kè… bị mưa lũ vùi lấp, phá hủy chưa được sửa chữa kịp thời cũng là nguyên nhân gây giảm diện tích lúa chiêm xuân so với niên vụ 2015 - 2016. Nhằm hạn chế tối đa tác hại do thiên tai, hạn hán gây nên, ngay từ đầu năm, UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chức năng sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương ở những vùng trọng điểm lúa. UBND huyện đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa 15 công trình thuỷ lợi. Trong đó, Thủy lợi Sen Thượng, Thủy lợi Huổi Đeng... đang được khẩn trương tu sửa. 

Vụ chiêm xuân năm nay, nông dân trên địa bàn huyện Mường Nhé gieo trồng chủ yếu là giống lúa cấp I (Bắc thơm số 7, IR64), chiếm trên 70% tổng diện tích gieo cấy; còn lại là lúa lai (Nhị ưu 838) chiếm 6% và một số giống lúa địa phương. Để diện tích lúa chiên xuân phát triển tốt, đạt năng xuất, chất lượng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng hướng dẫn nông dân từ khâu làm đất, kỹ thuật ngâm, ủ giống, gieo, cấy tới khâu chăm bón, làm cỏ, bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý; chăm sóc lúa theo từng thời kỳ sinh trưởng của lúa.

Nhằm hạn chế tác hại do sâu bệnh, sinh vật hại lúa gây ra, trước khi bước vào sản xuất vụ chiêm xuân, các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn cho nông dân cách nhận biết và phòng trừ sâu bệnh; thường xuyên kiểm tra thăm đồng, đặt các bẫy đèn theo dõi sự xuất hiện của sâu cuốn lá, bọ xít, đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng; cách phát hiện, bẫy chuột thủ công… Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng cách, đảm bảo hiệu quả, an toàn. Thời điểm cuối tháng 3, một số diện tích lúa chiêm xuân trên địa bàn xã Mường Toong bị nhiễm bệnh đạo ôn trên lá, với tỷ lệ trung bình 1% lá, nơi cao đến 3% lá tập trung tại diện tích thiếu nước. Tuy nhiên, do nắm chắc kỹ thuật phòng chống dịch bệnh nên nông dân kịp thời phun thuốc phòng trừ, tăng cường chăm sóc phục hồi những diện tích nhiễm bệnh. 

Giai đoạn làm đòng là giai đoạn quan trọng trong quá trình sinh trưởng của cây lúa, quyết định lớn đến năng suất, chất lượng hạt thóc nên cần bón phân đón đòng, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa nuôi đòng. Do đó, Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân kỹ thuật rút nước, sau thời gian lộ ruộng liên tục từ 7 - 10 ngày, lấy nước trở lại ruộng và tiến hành bón đón đòng, chủ yếu là đạm urê và phân kali, trong đó tăng cường kali để bông lúa nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top