Chủ động ứng phó với dịch châu chấu

09:08 - Thứ Tư, 10/05/2017 Lượt xem: 9339 In bài viết
ĐBP - Theo chu kỳ vòng đời của châu chấu thì thời điểm này các ổ trứng châu chấu đang nở và phát triển đàn châu chấu non. Do đó, công tác phòng chống, ngăn chặn không để bùng phát thành dịch đang được các địa phương triển khai. Ông Lò Văn Siêng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lói (huyện Điện Biên) cho biết: Phương pháp hiệu quả nhất là phát hiện và tiêu diệt các ổ châu chấu khi chúng còn là ấu trùng trong đất. Nếu để châu chấu trưởng thành, có cánh thì rất khó khăn trong công tác phòng trừ. 

Do đó, từ đầu tháng 4 đến nay, chính quyền xã đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện chủ động đến những khu vực trước đây châu chấu hay kiếm ăn hoặc những nơi có nhiều xác châu chấu để tìm, phát hiện và tiêu diệt các ổ trứng, ấu trùng châu chấu. Đến nay, trên địa bàn xã Mường Lói chưa phát hiện ổ châu chấu nào song công tác tìm kiếm, phun phòng dịch vẫn tiếp tục được triển khai nghiêm túc.

 
Bà Lò Thị Minh Nhẫn, Phó trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên cho biết: Những năm trước do phát hiện muộn ổ dịch, nên đàn châu chấu trưởng thành, mọc cánh dẫn đến công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, các xã chưa chủ động trong công tác phòng trừ ngay từ lúc châu chấu đang trong thời kỳ ấu trùng. Rút kinh nghiệm, năm nay, từ cuối tháng 3, Trạm đã có văn bản hướng dẫn biện pháp phòng chống, ngăn chặn châu chấu tre lưng vàng gây hại cây trồng. Đồng thời, cử cán bộ xuống phối hợp với chính quyền 2 xã: Mường Lói và Phu Luông kiểm tra, phát hiện, tiêu diệt các ổ ấu trùng châu chấu bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc thuốc hóa học, ngăn chặn dịch bùng phát. Qua kiểm tra, năm nay huyện Điện Biên không phát hiện có nguồn châu chấu tại chỗ. Do đó, Trạm tiếp tục chỉ đạo các xã triển khai các phương án phòng trừ dịch châu chấu di thực từ Lào sang.

 

Người dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên) tìm diệt châu chấu.

Nguồn châu chấu di thực từ Lào thường xuất hiện từ đầu tháng 6 - 8 hàng năm. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu gây ra trên cây trồng, các trạm bảo vệ thực vật phối hợp với chính quyền các xã theo dõi, hướng dẫn người dân tập trung thực hiện một số kỹ thuật phòng chống cơ bản. Với khu vực châu chấu tre xuất hiện và gây hại, tăng cường điều tra, xác định hướng và vị trí di chuyển, phạm vi hoạt động và loại cây trồng bị gây hại nặng. Đồng thời áp dụng các biện pháp cơ giới như: Vợt bắt vào buổi chiều mát, khi châu chấu đã ăn no ít hoạt động. Ở những diện tích xuất hiện châu chấu với mật độ cao (trên 10 con/m2) thực hiện diệt trừ bằng cách phun bao vây từ ngoài vào trong bằng thuốc hóa học. Đối với khu vực chưa phát hiện có châu chấu tre thì phải thường xuyên tổ chức điều tra, theo dõi biến động số lượng, dự báo khả năng bùng phát để chủ động phương án phòng, chống kịp thời, ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng.

Vừa qua, huyện Điện Biên Đông phát hiện 2 ổ châu chấu, mỗi ổ co cụm trong diện tích khoảng 1m2 tại khu vực nương của người dân bản Nà Nếnh B (xã Pú Hồng). Ổ châu chấu đang ở giai đoạn sâu non, bám cành cây tre tầm thấp 0,8 – 1m so với mặt đất. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên Đông đã tiến hành kiểm tra tại bản Nà Nếnh và các bản, xã lân cận mà năm 2016, đàn châu chấu tre lưng vàng từ tỉnh Sơn La di chuyển qua. Đồng thời, cấp thuốc bảo vệ thực vật cho xã Pú Hồng để phun trừ trên diện tích xuất hiện châu chấu. Ông Đỗ Mạnh Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên Đông cho biết: Thời gian tới, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Pú Hồng kiểm tra mức độ, phạm vi gây hại của châu chấu để phòng trừ hiệu quả. Đồng thời chỉ đạo các xã lân cận, nhất là 2 xã: Pú Hồng và Phình Giàng (giáp tỉnh Sơn La) thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ châu chấu tre, không để đàn châu chấu trưởng thành, phát sinh thành dịch. Cùng với đó, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác giảm thiểu nguồn thức ăn của châu chấu, như: Từ tháng 4 – 6 hàng năm thường xuyên thu dọn lớp thực bì và cỏ dại ở bề mặt đất để hạn chế nguồn thức ăn của châu chấu mới nở. Những nơi đất không quá dốc có thể làm đất và kết hợp trồng xen những cây ưa bóng, như: gừng, riềng, sả... để hạn chế sự sinh trưởng của châu chấu.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top